.
Kinh tế Châu Âu

Không khó như dự báo

.

Khi cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu nổ ra, lãnh đạo EU đã có những dự báo hết sức ảm đạm về nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung Euro. Một trong những mối nguy hại lớn nhất của cuộc khủng hoảng này là sự phân hóa giàu nghèo rõ nét giữa người nghèo ở Nam Âu với người giàu ở Bắc Âu, làm gia tăng thêm áp lực về việc điều hành quản lý nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung Euro.

Các lãnh đạo EU từng đau đầu về cuộc khủng hoảng nợ nần, nhưng… 

Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra tích cực hơn nhiều so với dự báo. Vì khủng hoảng nợ nần nên đồng tiền bị mất giá và lãi suất ngân hàng được giảm xuống, nghĩa là các doanh nghiệp chịu lãi thấp hơn so với dự báo và cũng chịu rủi ro thấp hơn. Với nhiều công ty ở châu Âu, rắc rối nợ nần của Hy Lạp hay Bồ Đào Nha là quá nhỏ để phải lo lắng. Hy Lạp chỉ chiếm 2,5% tổng sản phẩm quốc gia ở toàn khu vực sử dụng đồng tiền Euro, là thị trường không quan trọng cho các tập đoàn đa quốc gia. Sự biến động của thị trường trái phiếu cũng chỉ gây ra tác động rất nhỏ trong khu vực bởi ngân hàng vẫn là nguồn tiền chủ lực cho các công ty nhỏ. Nỗi lo về xuất khẩu cũng nhanh chóng bỏ lại phía sau.

... các công ty lớn như Siemens đã vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Đức là quốc gia "la" to nhất về cuộc khủng hoảng nợ nần này nhưng chính họ lại là nước… hưởng lợi nhiều nhất nhờ lãi suất thấp và thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ. Siemens, Công ty Điện tử và máy móc đóng trụ sở tại Munich (Đức) là một ví dụ.

Với 18% sản lượng bán ở thị trường châu Á và 27% cho Mỹ, Canada và Nam Mỹ thì rõ ràng Siemens sống khỏe. Trong lúc lãnh đạo EU đang đau đầu với khoản nợ khổng lồ thì Siemens dự báo sẽ thu được lợi nhuận trong năm 2010 từ 6,5 tỷ đến 9,7 tỷ Euro. Peter Solmssen, thành viên Hội đồng quản trị Siemens cho biết, chẳng ai có thể ngó lơ chuyện nợ nần nhưng nó không hề ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của chúng tôi. Ông Solmssen nhận xét rằng cuộc khủng hoảng không làm cho khu vực kinh tế sử dụng đồng tiền Euro bị tan rã mà thực tế là nó giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi hơn.

"Có sự sai lệch không đáng kể giữa tài chính thế giới với nền kinh tế", Ben Noteboom - Giám đốc điều hành của công ty Đào tạo và tuyển dụng nhân sự Randstad có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), nói. Randstad từng phải đứng nhìn doanh thu lao dốc vào cuối năm ngoái nhưng nay thì nhu cầu nhân sự các nơi đã hồi phục mạnh mẽ. Các công ty có xu hướng thuê nhân công tạm thời hơn là lâu dài trong thời gian đầu hồi phục nên Randstad làm không xuể với những hợp đồng tuyển dụng tạm thời. Ông Noteboom cho rằng công ty của ông đúng là phong vũ biểu cho nền kinh tế sử dụng đồng tiền Euro hiện tại. Nhu cầu tìm lao động của các công ty tăng trung bình 10% và con số đó nhiều hơn ở Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan. Đó là dấu hiệu hết sức tích cực sau những dự báo u ám cho nền kinh tế châu Âu.

Tịnh Bảo

;
.
.
.
.
.