.
QUAN SÁT VÀ BÌNH LUẬN

“Trảm” tướng!

Không có nhiều lựa chọn, Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng buộc phải thay tướng tại chiến trường Afghanistan sau những chỉ trích ì xèo của các quan chức cấp cao về phát biểu “phán đoán tệ hại” của Tư lệnh Stanley McChrystal trả lời tờ Rolling Stone.

Đưa ra quyết định bất đắc dĩ sau khi “mặt đối mặt” với vị tướng được đặt nhiều kỳ vọng, Tổng thống Obama đã mô tả sự khó khăn và nuối tiếc trong ông. Bởi lẽ, chiến dịch ở Afghanistan còn đang dang dở mà người được xem là quan trọng nhất - kiến trúc sư cho kế hoạch này không ai khác ngoài McChrystal. Như để trấn an dư luận và các tướng lĩnh khác, Tổng thống Obama khẳng định đây chỉ là “thay đổi về cá nhân chứ không thay đổi về chính sách”.

Sự lỡ lời được cho là nghiêm trọng và không thể cứu vãn. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và các quan chức của NATO cũng không thể bảo vệ được McChrystal. Thay thế McChrystal là tướng 4 sao David Petraeus - Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ và từng là Tổng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq dưới thời Tổng thống G.W.Bush. Việc bổ nhiệm mới này cũng gửi thông điệp mạnh mẽ đến các đồng minh và lực lượng quân đội Mỹ rằng, chiến dịch của Washington ở Afghanistan sẽ tiến triển mà không có sự xáo trộn nào.

Tuy nhiên, đó chỉ là tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, thực chất McChrystal và Petraeus có quan điểm khác nhau về chiến dịch ở Afghanistan. Petraeus cho rằng, hướng đi của cuộc chiến hiện nay là tích cực, bất chấp thương vong và phản kháng của lực lượng nổi dậy. Trong khi đó, McChrystal chủ trương cuộc chiến chống lại Taliban ở tỉnh Helmand của Afghanistan sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Khi chiến trường ở quốc gia Nam Á này đang bước vào giai đoạn quan trọng, quyết định “trảm” tướng của Tổng thống Obama ít nhiều sẽ dẫn đến những hệ lụy: Làm mất lòng người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai, làm binh sĩ dao động... Taliban thì mỉa mai rằng, quyết định “thay ngựa giữa đường” đánh dấu sự thất bại trong chiến dịch của Mỹ. Đó là chưa nói đến việc tháng 6 này trở thành tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến Afghanistan của lực lượng quốc tế do NATO dẫn đầu với 76 binh sĩ thiệt mạng - theo công bố của AP, trong đó có 46 lính Mỹ. Riêng đối với Mỹ, tháng đẫm máu nhất là tháng 10-2009 với 59 binh sĩ thiệt mạng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.