Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục vào tối 15-6 (sáng 16-6, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết rằng, Hãng BP của Anh sẽ phải trả hàng tỷ USD tiền bồi thường thảm họa sinh thái trên Vịnh Mexico, đồng thời cáo buộc tập đoàn dầu khí này làm việc tắc trách.
Các lãnh đạo ExxonMobil, ConocoPhillips, Shell... - những đối thủ của BP - chất vấn các nhà chức trách Tập đoàn dầu khí này trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ.Ảnh: Reuters |
Theo AP, Tổng thống Obama khẳng định rằng, thảm họa môi trường tồi tệ nhất của Mỹ cho thấy cần phải có một chính sách năng lượng mới dựa trên các nguồn lực tái sinh và kêu gọi sứ mệnh quốc gia nhằm phát triển năng lượng sạch. Các nhà chức trách đã cử 17.000 thành viên lực lượng Bảo vệ quốc gia để hỗ trợ dọn dẹp dầu tràn, nhưng đây chỉ là con số nhỏ. So sánh thảm họa này như một “dịch bệnh” nhưng người đứng đầu Nhà Trắng không đề nghị một “giải pháp ngay lập tức” nào. Ông nói rằng, cựu Thống đốc bang Mississippi - ông Ray Mabus - sẽ phát triển Kế hoạch Phục hồi Vịnh dài hạn với chi phí do BP cung cấp, hài hòa với các bang địa phương, các cộng đồng, ngư dân, những người ủng hộ bảo vệ môi trường thiên nhiên và người dân.
Tổng thống Obama cũng không đề cập chi tiết những nỗ lực mà ông gọi đó là “kế hoạch chiến đấu”. Tuy nhiên, trong lúc này, BP tuyên bố không kiểm soát được ngân quỹ bồi thường cho việc phục hồi Vịnh. Theo báo New York Times, ngay trước khi ông Obama có bài phát biểu trên, Chính phủ Mỹ đã công bố ước tính mới cho thấy có đến 60.000 thùng dầu xả ra Vịnh Mexico mỗi ngày, cao hơn nhiều so với con số từ 25.000-30.000 thùng/ngày được đưa ra một tuần trước đó. Một ủy ban gồm các nhà khoa học Mỹ cũng khẳng định điều này.
Trước những áp lực đang gia tăng, trong một tuyên bố, phía BP cho hay, họ đã chia sẻ với Tổng thống Obama về mục tiêu dọn dẹp dầu tràn và giúp những người dân bị ảnh hưởng. BP cũng hy vọng cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ với “cuộc thảo luận mang tính xây dựng” sẽ giúp họ giải quyết tốt nhất những mục tiêu chung này. Trong khi đó, AP cho rằng, việc Tổng thống Mỹ phát biểu về thảm họa môi trường trên Vịnh Mexico là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đối phó với sự cố tràn dầu đã trở thành ưu tiên trong chương trình của ông, cùng với việc sử dụng diễn đàn này để khẳng định nỗ lực cho một dự luật năng lượng sạch quy mô lớn, theo đó sẽ biến sự kiện này thành cơ hội nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ.
Theo thăm dò mới nhất do AP-GfK thực hiện, 52% người Mỹ bất bình với cách ứng phó với thảm họa tràn dầu của Chính phủ Mỹ, tương tự như phản ứng của người dân đối với Chính phủ của Tổng thống G.W.Bush sau cơn bão Katrina.
PHÚC NGUYÊN