Cuộc tấn công của Israel nhằm vào các tàu viện trợ cho Gaza đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhưng thật sự đằng sau việc bạo lực quá dễ dàng với thảm kịch cho các nhà hoạt động xã hội như thế lại chính là cuộc đối đầu giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine từ bao nhiêu năm qua.
Biểu tình phản đối Israel tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Getty Image |
Israel cho rằng, họ đã cảnh báo các tàu chở hàng viện trợ cho Gaza từ trước và việc tấn công là điều bất đắc dĩ. Nhưng khi con tàu mang tên Rachel Corrie chở hàng trăm tấn hàng cứu trợ cùng các thiết bị y tế trên đường tới Dải Gaza cũng bị Palestine bắt giữ vào ngày 5-6 thì Tel Aviv không thể biện minh cho hành động của mình nữa, ngoại trừ việc thể hiện quyết tâm phong tỏa Gaza đến cùng, mặc dù động thái phong tỏa này bị lên án là nhẫn tâm. Người dân ở Dải Gaza suốt ba năm nay phải trải qua cuộc sống khốn khó chỉ vì cái lệnh phong tỏa không thể hiểu nổi này.
Lý do mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra là phong tỏa Gaza để khu vực này không trở thành một cảng của Iran đe dọa Địa Trung Hải và cho rằng, đội tàu bị tấn công vì hoạt động khủng bố. Nói như thế để Israel có thể rũ bỏ trách nhiệm nhưng cả cộng đồng thế giới, ngoại trừ Mỹ, vẫn đang lên án Tel Aviv. Chưa xác định thật rõ ràng hành động tấn công vào các tàu viện trợ là đúng hay sai, đang chờ kết quả của đội điều tra quốc tế độc lập bao gồm các đại diện của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Nhưng người ta vẫn nhận thấy rằng, Israel đang cố tình bảo vệ cho quan điểm diều hâu của mình, chỉ vì quan điểm xung đột với Hamas và xem tổ chức này như một nhóm khủng bố.
Sử dụng bạo lực dễ dàng, Israel đang muốn chứng tỏ mình là kẻ mạnh. Tuy nhiên, tình thế hiện tại vô hình trung đẩy Tel Aviv phải đối mặt với bao khó khăn: Sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế, sự quay lưng của Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh thân thiết nhất với Israel trong thế giới Hồi giáo, và cả phản ứng dè dặt của Mỹ. Namik Tan - đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington - khẳng định: “Israel đang mất đi một người bạn, đây là một sai lầm lịch sử. Quan hệ tương lai của hai nước sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Israel”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs cho hay, Israel là đồng minh quan trọng và Washington không thay đổi sự ủng hộ đối với an ninh của nước này. Mỹ đã ký vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc tấn công của Israel nhưng không lên án đích danh Tel Aviv. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khi phát biểu tại Hội nghị An ninh châu Á ở Singapore từ ngày 4 đến 6-6 cũng nhấn mạnh: Không thể so sánh vụ làm đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc mà CHDCND Triều Tiên đang bị cáo buộc là thủ phạm với vụ Israel tấn công các tàu chở hàng viện trợ, bởi một bên xảy ra bất ngờ, còn một bên đã được cảnh báo trước. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là Mỹ vẫn đang đặt niềm tin tuyệt đối với đồng minh Israel. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Barack Obama sẽ nhận ra lợi - hại khi sự ngoan cố, cứng rắn của chính phủ Thủ tướng Netanyahu chỉ làm nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông của Mỹ giậm chân tại chỗ.
Israel lâu nay vẫn dựa vào “cây gậy” của Mỹ để chống lại Palestine, mà cụ thể là Hamas. Nhưng thay vì đối đầu, vấn đề cần đặt ra nhất là làm thế nào để tránh bạo lực cho người dân Gaza thì không được Tel Aviv quan tâm đến. Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tưởng như đang đi những động thái “lợi bất cập hại”, nhưng xem ra không hề đón nhận được những hoa thơm quả ngọt.
VĨNH AN