.
Thế giới tuần qua

Bất đồng và chia rẽ

.

Dù nỗ lực nhưng những cam kết mà Hội nghị thượng đỉnh G8 đưa ra chỉ “đủ cho một màn chụp hình nhóm, không đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người nghèo trên thế giới”. Nhận định của ông Henry Malumo - người phát ngôn Tổ chức ActionAid’s Africa - cho thấy sự bất lực của các cường quốc khi không giải quyết được các bất đồng về chiến lược kinh tế.

Sự thân mật giữa các nhà lãnh đạo không xóa được những bất đồng và chia rẽ. (Ảnh: THX)  

Tại thành phố Huntsville, Ontario của Canada, các nhà lãnh đạo G8 cũng tự cảm nhận được sự chia rẽ từ chính họ trong việc tăng trưởng kinh tế thế giới sau cuộc đại suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ những năm 1930 đến nay. Đây là sự chia rẽ giữa một bên là lời kêu gọi - chủ yếu đến từ Mỹ - đối với các kích cầu chính phủ nhằm giữ cho thế giới không trượt dài trong suy thoái; một bên là các cam kết đến từ châu Âu - đứng đầu là Đức - và cả Nhật Bản trong việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để tránh rơi vào kịch bản tương tự như Hy Lạp.

Song, bất đồng này không chỉ xảy ra giữa Mỹ và châu Âu trong G8 mà đây còn là chủ đề tranh luận tại Hội nghị G20 khai mạc vào tối 26-6 (giờ Canada, tức sáng 27-6, giờ Việt Nam). Thủ tướng nước chủ nhà Canada, ông Stephen Harper, khẳng định: “Chúng ta đã có một hội nghị rất thành công với việc nhấn mạnh vào sức mạnh, sự phát triển, hòa bình và dĩ nhiên là cả các thách thức an ninh toàn cầu”. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Harper chỉ là chiếc áo hoa văn cho một hội nghị còn quá nhiều dị biệt giữa Mỹ và châu Âu bởi nó diễn ra trong lúc “thế giới bắt đầu phục hồi mong manh từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất”.

Cuộc khủng hoảng tài chính công tại Hy Lạp đã gây lo ngại cho châu Âu, nhất là khi một số nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia cũng đứng trước không ít khó khăn. Trong một vài năm tới, ước tính tỷ lệ nợ công so với GDP của Nhật Bản có thể lên đến 300%, ở Anh sẽ là 200%, các nước như Pháp, Đức, Italia khoảng 150%. Vì thế, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron chủ trương vận động châu Âu có chính sách giảm thâm hụt ngân sách, hay nói cách khác là phải thực hiện “thắt lưng buộc bụng” để không xảy ra hiệu ứng domino từ Hy Lạp. Hàng loạt chính sách cắt giảm chi tiêu công tại Đức, Anh, Tây Ban Nha và Pháp - nước chủ nhà của Hội nghị G8 năm 2011 - thời gian qua càng minh chứng cho sự lo ngại này. Các quốc gia này khẳng định rằng, các chính sách của họ không ảnh hưởng gì đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, Mỹ không nghĩ như vậy. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, hội nghị thượng đỉnh này phải dựa trên sự tăng trưởng. Tại Hội nghị G20, Washington cho rằng, để phục hồi kinh tế nhanh thì châu Âu cần phải tiếp tục chi tiêu, đồng thời không nên quá phụ thuộc vào Mỹ - nền kinh tế số một của thế giới.

Điểm tích cực nhất của G8 lần này là Tuyên bố Muskoka bao gồm các chủ đề, từ mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs) và an ninh lương thực, cho đến thay đổi khí hậu, ủng hộ châu Phi, cũng như nhiều vấn đề phức tạp về hòa bình và ổn định quốc tế. Các thành viên của G8 đã cam kết tài trợ 5 tỷ USD, thời hạn 5 năm, cho lĩnh vực bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các nước nghèo. Trong khi các nước đối tác cùng các tổ chức khác đã cam kết tài trợ thêm 2,3 tỷ USD trong cùng giai đoạn trên. Thủ tướng Canada Harper gọi đây là cam kết lịch sử. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy các cam kết này sẽ được thực hiện nghiêm túc trong lúc các nước giàu vẫn đang đau đầu với khủng hoảng nợ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.