.
Thế giới tuần qua

Phép thử với Kyrgyzstan

.

Chính quyền lâm thời của Kyrgyzstan dường như bó tay trước bạo loạn sắc tộc đang lan tràn tại miền Nam nước này. Kyrgyzstan cầu cứu Nga, nhưng đến lúc này vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu gì cho thấy Điện Kremlin chịu chìa “chiếc gậy” vào nơi mà cả Matxcơva và Washington đều muốn tạo ảnh hưởng.

Binh sĩ và lực lượng an ninh Uzbekistan trợ giúp tộc người Uzbek rời khỏi miền Nam Kyrgyzstan ở biên giới hai nước.  (Ảnh: AP) 

Bạo lực xuất phát từ thung lũng Ferghana giữa tộc người Kyrgyz và Uzbek vào đêm 10-6 và leo thang thành những cuộc chiến ngoài đường phố. Trong 4 ngày đã có ít nhất 80 người thiệt mạng, 1.066 người bị thương và hàng ngàn người Uzbekistan phải bỏ nhà cửa đi sơ tán. Thành phố Osh có 250.000 dân trở nên ngổn ngang và đang cạn kiệt lương thực; các cửa hàng bị cướp bóc và bị tấn công bằng đá, thanh sắt nên phải đóng cửa. Nhiều nơi ở Osh bốc cháy, khói đen bốc nghi ngút trên bầu trời. Ở các khu vực thuộc Osh, nhiều người dân sơn trên bảng chữ S.O.S và đặt ở đường phố. Lo ngại bạo lực đang lan rộng sang các thành phố khác như Jalal-Abad, nhưng Chính phủ của Tổng thống lâm thời Roza Otunbayeva không thể làm gì hơn, ngoài việc thừa nhận đã mất khả năng kiểm soát Osh. 

Mỹ và Nga - ai sẽ can thiệp vào bất ổn lúc này của Kyrgyzstan? Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bryan Whitman cho biết, Washington chưa nhận được yêu cầu giúp đỡ từ phía Kyrgyzstan. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ lâm thời đất nước Trung Á này, ông Farid Niyazov, từ chối khẳng định việc có quay sang nhờ Mỹ trợ giúp hay không khi Nga đã khước từ sự nhờ vả.

Nga có 500 binh sĩ đồn trú tại Osh, hầu hết là lực lượng không quân. Mỹ có căn cứ không quân Manas cũng ở thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan này, làm cơ sở phục vụ cho chiến trường Afghanistan. Xét về mặt vị trí chiến lược, Kyrgyzstan quan trọng với cả Nga lẫn Mỹ. Vì thế mới có chuyện quốc gia Trung Á này chỉ “hắt hơi” hay có dấu hiệu bạo bệnh thì cũng đủ để Matxcơva và Washington đứng ngồi không yên. Lúc Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ hồi tháng 4-2010, Nga là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Chính quyền lâm thời Kyrgyzstan, còn Mỹ phản ứng dè dặt vì lo ngại mất căn cứ Manas.

Lần này, mặc cho Kyrgyzstan ra sức “vỗ về” với những tuyên bố như “Nga là đối tác chiến lược chính của chúng tôi”, Điện Kremlin vẫn chỉ đề nghị hỗ trợ nhân đạo: cung cấp thiết bị nhân đạo, giúp sơ tán nạn nhân, thay vì đưa quân can thiệp vào những gì mà họ mô tả là “xung đột nội bộ”. Và theo Nga, quyết định chính thức về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được đưa ra vào hôm nay (14-6) sau khi Matxcơva thảo luận với các thành viên khác theo một hiệp ước an ninh của các quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ). Năm 1990, hàng trăm người đã thiệt mạng trong một vụ bạo lực tranh chấp biên giới giữa tộc người Kyrgyz và Uzbek - phần lớn là người Hồi giáo Sunni. Bạo lực chỉ kết thúc khi Liên Xô triển khai lực lượng can thiệp.

AP cho rằng, những gì đang diễn ra là bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ. Bạo lực cũng là phép thử đối với khả năng kiểm soát đất nước của Chính phủ lâm thời trước thềm cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới vào ngày 27-6 và bầu cử vào tháng 10 tới. Tổng thống Otunbayeva chỉ trích gia đình ông Bakiyev đã xúi giục bạo loạn nhằm “làm bật tránh” cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng cho dù đổ lỗi như thế nào cho các yếu tố khác thì chiếc ghế của Chính phủ non trẻ Otunbayeva như con thuyền chòng chành…

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.