.

Tòa án phán quyết thảm họa Bhopal

.

Sau 26 năm, tòa án Ấn Độ mới đưa ra phán quyết về thảm họa công nghiệp lớn nhất thế giới này. 

Những nạn nhân của thảm họa Bhopal không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.          (Ảnh: AFP) 

Tòa án Ấn Độ ngày 7-6 đã kết tội 8 cựu nhân viên của Công ty Union Carbide thuộc Tập đoàn đa quốc gia Mỹ Dow Chemicals mỗi người 2 năm tù, vì đã gây ra thảm họa rò rỉ khí độc khiến 15.000 người thiệt mạng cách đây hơn 1/4 thế kỷ. Bên cạnh đó 7 trong 8 bị cáo bị phạt 100.000 rupi (2.175 USD). Sau khi nộp phạt cả 7 bị cáo đã được phóng thích. Công ty Union Carbide cũng bị kết tội tương tự với án phạt 500.000 rupi (10.870 USD),  nhưng công ty này đã không còn tồn tại nữa. Các cựu nhân viên giờ đây nhiều người đã ở tuổi 70, gồm các cựu lãnh đạo cấp cao của Union Carbide, trong đó có Chủ tịch công ty - ông Keshub Mahindra, nay đã 85 tuổi. Những người sống sót và những người thân của các nạn nhân, cùng với các nhà hoạt động đã tụ tập ở thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, với các biểu ngữ và nói rằng phán quyết của tòa án là quá nhẹ và quá muộn.

Theo AP, sáng sớm 3-12-1984, nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu do Union Carbide điều hành đã làm rò rỉ 40 tấn hóa chất ở thành phố Bhopal, ngay lập tức làm khoảng 4.000 người thiệt mạng. Nhưng vụ việc chưa dừng lại, các hóa chất độc hại này tiếp tục rò rỉ và gây ô nhiễm các nguồn nước ngầm. Một vài năm sau đó, con số người thiệt mạng lên đến 15.000 người. Song, các nhà hoạt động địa phương khẳng định: Số người chết gấp đôi như thế, và cho rằng công ty cũng như Chính phủ đã thất bại trong việc làm sạch hóa chất độc hại tại khu vực xảy ra thảm họa. Nhà máy hóa chất của Union Carbide buộc phải đóng cửa.

AFP cho hay, số người chết được thống kê không giống nhau. Theo thống kê của Chính phủ, có 3.500 người thiệt mạng trong 3 ngày đầu tiên. Nhưng dữ liệu độc lập do Hội đồng Nghiên cứu y khoa của Ấn Độ (ICMR) công bố cho thấy, có từ 8.000-10.000 người thiệt mạng trong 3 ngày đầu này. ICMR cũng nói rằng, đến năm 1994, có 25.000 người thiệt mạng do ảnh hưởng của vụ việc. Và thống kê của Chính phủ sau năm 1994 cho hay, ít nhất 100.000 người dân sống gần nhà máy ở miền Trung bang Madhya Pradesh bị bệnh tật, với hơn 3.000 người ở các khu vực bị nước nhiễm bẩn.

Cục Điều tra Trung ương của Ấn Độ, cơ quan điều tra hàng đầu ở quốc gia này, vốn cáo buộc 12 bị cáo liên quan đến vụ việc, trong đó có 8 lãnh đạo của công ty và Warren Anderson - Giám đốc điều hành của Union Carbide. Lúc đó, các bị cáo đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, năm 1996, Tòa án tối cáo Ấn Độ đã giảm cáo buộc “tắc trách dẫn đến chết người” với mức án nhiều nhất chỉ là 2 năm tù giam nếu các bị cáo bị kết tội. 26 năm qua, thảm họa Bhopal đã thu hút sự chú ý của thế giới và gây nên những phản ứng dữ dội, bởi những người sống sót đấu tranh đòi công lý. Song, Dow Chemicals cho rằng họ không có trách nhiệm pháp lý về những vụ việc tại Bhopal vì họ đã bán lại các nhà máy này, rút khỏi Ấn Độ trước đó. 

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.