Ngày thứ hai trong chuyến công du Islamabad, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi các dự án mới là “sự đầu tư dài hạn cho tương lai của Pakistan”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gillani.
(Ảnh: Getty Images)
Mỹ và Pakistan ngày 19-7 đã có các cuộc hội đàm cấp cao với những tuyên bố về một số dự án mới nhằm thúc đẩy nước, năng lượng và y tế ở quốc gia Nam Á này. Các dự án bao gồm: xây dựng một số đập, thúc đẩy các nhà máy năng lượng thủy điện và hệ thống năng lượng, xây dựng hoặc cải tiến 3 cơ sở y tế ở miền Trung và miền Nam Pakistan. Đây là một phần trong nỗ lực viện trợ 7,5 tỷ USD nhằm chứng minh với Pakistan rằng, Washington không chỉ tập trung vào việc hậu thuẫn cho Chính phủ chống lại các chiến binh Taliban và
Al-Qaeda mà còn cải thiện đời sống cho người dân. Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trong chuyến công du Islamabad rằng, Mỹ sẽ hoàn tất 2 dự án đập thủy điện để cung cấp điện cho hơn 300.000 người ở các khu vực gần biên giới Afghanistan, đồng thời bắt tay vào một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tiến trình làm sạch nước uống tại đất nước này. Ngoài ra, Mỹ sẽ đầu tư 100 triệu USD mở rộng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp 50 triệu USD ủng hộ đầu tư trong các dự án cải tiến và kỹ thuật.
Các dự án trên tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu USD vốn được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào năm ngoái trong khuôn khổ chương trình viện trợ các hoạt động phi quân sự cho Pakistan trong 5 năm. Theo các nhà quan sát, các sáng kiến cũng đánh dấu giai đoạn thứ hai của dự án và được bắt đầu với mối quan hệ đối tác chiến lược mới Mỹ - Pakistan.
Tuyên bố về các dự án mới mà Mỹ viện trợ cho Pakistan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Washington thúc giục Pakistan và Afghanistan ký một thỏa thuận thương mại sau nhiều năm đàm phán. Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận này tại Islamabad. Theo đó, thỏa thuận này sẽ giúp nới lỏng hạn chế ở biên giới, nhưng vẫn cần phải được Quốc hội Pakistan và nội các Afghanistan thông qua.
Theo AFP, một mục tiêu khác không kém phần quan trọng trong sứ mệnh của Ngoại trưởng Hillary Clinton là tìm kiếm hành động cứng rắn hơn từ Islamabad để chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan trước thềm hội nghị các nhà tài trợ ở Afghanistan vào ngày 20-7. Bà Hillary Clinton bày tỏ lo lắng về khả năng một cuộc tấn công chống lại Mỹ bắt nguồn từ Pakistan, tương tự âm mưu đánh bom khủng bố bất thành ở Quảng trường Thời đại tại New York vào tháng 5 vừa qua. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng, cuộc tấn công như thế sẽ phá hủy mối quan hệ giữa Washington và Islamabad.
Thực tế, trong mối quan hệ đồng minh với Pakistan, Mỹ rất quan tâm đến động thái của quốc gia Nam Á này trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là khi Washington vẫn chưa dọn dẹp được chiến trường ở Afghanistan. Một mạng lưới đang chống lại lực lượng liên quân ở Afghanistan được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo của Pakistan. Mạng lưới chiến binh Haqqani này là kẻ thù nguy hiểm nhất của lực lượng quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Michael Sem, một chuyên gia hàng đầu về Taliban tại Islamabad nói rằng, sự hiện diện của bà Hillary Clinton tại thủ đô quốc gia Nam Á này đã công nhận tầm quan trọng chiến lược của Pakistan trong tiến trình thúc đẩy an ninh không chỉ ở Afghanistan mà còn với cả khu vực.
PHÚC NGUYÊN
.
.
Đối thoại chiến lược Mỹ - Pakistan
Thứ Ba, 20/07/2010, 09:21 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.