Biểu tình đã diễn ra ở nhiều nước châu Âu phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh khủng hoảng nợ công. Trong ảnh: Các giáo viên bị mất việc làm biểu tình ở thủ đô Athens của Hy Lạp. Ảnh: AP |
Trả lời phỏng vấn hãng Tân Hoa Xã, nhà kinh tế học người Hungary Laszlo Lengyel - Giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính tại Budapest - cho rằng nền tảng kinh tế của Hungary mạnh hơn Hy Lạp và cơn bão kinh tế gần đây ở quốc gia này là do sự thiếu trách nhiệm của các quan chức hơn là các vấn đề kinh tế căn bản. “Chúng ta không phải là Hy Lạp. Các con số nợ Nhà nước và thâm hụt ngân sách ở Hy Lạp nghiêm trọng hơn ở Hungary”, ông Lengyel nói.
Thâm hụt ngân sách Chính phủ của Hy Lạp hơn 12% GDP, trong khi với Hungary là 4%. Nợ Nhà nước ở Hy Lạp cũng vượt qua 110% GDP, trong khi Hungary dưới 80%. Tuy nhiên, ngày 3-6-2010, theo Lajos Kosa - Phó Chủ tịch Đảng Liên minh Công dân Hungary (Fidesz) trung tả cầm quyền, đảng vốn giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, khủng hoảng nợ Hy Lạp sắp xảy ra với Hungary và đất nước này đang bên bờ vực vỡ nợ.
Ngay sau đó, Peter Szijjarto - người phát ngôn của Thủ tướng - đã hậu thuẫn cho những bình luận của Kosa, nói rằng Chính phủ sắp mãn nhiệm đã che đậy sự thật về sự thâm hụt ngân sách và mục tiêu thâm hụt 3,8% trong năm 2010 như Hungary đã cam kết khi nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EU sẽ không thực hiện được. Các nhà đầu tư bỗng hoảng sợ và chứng khoán của Hungary được bán tháo bán đổ.
Nhà kinh tế học Laszlo Lengyel đã chỉ trích Chính phủ Hungary và nhận định rằng, sự thiếu trách nhiệm của các quan chức với những thông điệp sai lệch tung ra thị trường đã gây căng thẳng quá mức xung quanh vấn đề khủng hoảng nợ trên khắp miền Nam châu Âu. Thực tế, theo ông Lengyel, Hungary hiện tại là một trong những quốc gia ổn định nhất ở Đông Âu với nợ công thấp hơn các nước khác trong khu vực EU, chỉ cao hơn Đức 10%.
Năm 2006, nợ công của Hungary gia tăng 60% GDP. Đảng Xã hội của Thủ tướng Ferenc Gyurcsany bắt đầu đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhưng đã quá muộn. Cuối năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, Hungary trở thành nước mắc nợ nhiều nhất ở Đông Âu với nợ hơn 70% GDP và thị trường tài chính quốc tế tin rằng Hungary sẽ không thể tự trả được nợ.
Các nhà đầu tư bắt đầu rút đồng forint. Tháng 11-2008, Hungary đã được IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và EU hỗ trợ 25 tỷ USD để tránh khả năng nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ. Chính gói cứu trợ này đã thuyết phục các chủ nợ của Hungary và thị trường quốc tế rằng, Budapest có thể trả được nợ. Nội các của Thủ tướng Gyurcsany sụp đổ vào đầu năm 2009, một phần do thất bại trong việc giữ được những thương lượng với IMF và EU.
Khi nội các do Thủ tướng thứ 7 Gordon Bajnai lãnh đạo lên nắm quyền, Hungary tìm cách đối phó với vấn đề nợ. Nay với các kế hoạch phục hồi kinh tế của tân Thủ tướng Viktor Orban, trong đó chú trọng đến việc hợp lý hóa hệ thống thuế và cắt giảm trong khu vực Nhà nước, Hungary đã phần nào khôi phục lòng tin của thị trường. Đảng Fidesz từng đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức cao, từ 7% tăng lên 7,5%, nhưng bây giờ họ nói rằng con số này là 3,8% trong năm nay và dưới 3% vào năm tới.
VĨNH AN