Nội dung chủ yếu của cuộc gặp gỡ thứ năm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington là đàm phán hòa bình Trung Đông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa quyết định nới lỏng kiểm soát hàng hóa vào Gaza. Ảnh: THX |
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất với chuyến công du của Thủ tướng Netanyahu là chỉ ra các nỗ lực của Israel nhằm nới lỏng việc phong tỏa Gaza và thúc đẩy động thái nối lại đàm phán trực tiếp với người Palestine. Hãng AP cho rằng, thúc đẩy đàm phán hòa bình mặt đối mặt giữa Israel và Palestine cũng là mục tiêu của Mỹ. Các quan chức trong Chính phủ của ông Netanyahu đều hy vọng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ hài lòng với những tiến triển từ phía Israel - các động thái được cho là khá ăn khớp với những bước tiến để thúc đẩy lộ trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ đã đặt ra.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Israel diễn ra một ngày sau khi Tel Aviv nới lỏng kiểm soát hàng hóa vào Gaza. Với chính sách mới, Israel không còn cấm buôn bán hàng hóa vào Gaza nhưng công bố một danh sách hàng bị cấm, trong đó có vũ khí và các nguyên liệu có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Sự thay đổi này sẽ giúp 1,5 triệu người dân ở Gaza phần nào thoát khỏi sự cô lập, dễ dàng mua các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cho cuộc sống thường nhật.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ Trung Đông (gồm Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga) - đánh giá những thay đổi này là rất quan trọng. Israel vốn chịu sức ép của cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổng thống Barack Obama và các quan chức cấp cao Mỹ, xung quanh việc phong tỏa Gaza từ năm 2007 sau khi Hamas giành quyền kiểm soát khu vực này. Song, áp lực với Nhà nước Do Thái càng gia tăng hơn nữa với sự quay lưng của Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh Hồi giáo quan trọng - kể từ vụ tấn công các tàu viện trợ Gaza hồi cuối tháng 5 vừa qua, làm 9 người thiệt mạng.
Trước khi đến Nhà Trắng, ngày 4-7, Thủ tướng Netanyahu phát biểu tại nội các Israel rằng, đã đến lúc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẵn sàng gặp gỡ người Israel bởi không còn cách nào khác để thúc đẩy hòa bình. Ông cũng bày tỏ hy vọng đây sẽ là một trong những kết quả đạt được của chuyến công du Mỹ.
Theo AP, việc để cả hai phía Israel và Palestine cùng ngồi vào bàn đối thoại trực tiếp là một thách thức lớn bởi cuộc đàm phán đã bị bế tắc từ tháng 12-2008. Một vấn đề vướng mắc khác nữa chính là việc Israel xây dựng các ngôi nhà Do Thái ở Đông Jerusalem - khu vực được người Palestine cho rằng là Nhà nước tương lai của họ. Do đó, người Palestine đã từ chối đàm phán với ông Netanyahu cho đến khi nhà lãnh đạo này đồng ý tháo dỡ việc xây dựng ở “Nhà nước Palestine tương lai”.
PHÚC NGUYÊN