(ĐNĐ) - Ngày 7-7, gia đình của chuyên gia vũ khí hạt nhân Sutyagin, một người Nga bị kết tội gián điệp cho Mỹ cho biết, Sutyagin sẽ nằm trong số 11 người được phía Nga dùng để đổi lấy 11 gián điệp vừa bị bắt tại Mỹ.
Igor Sutyagin bị giam giữ tại Moscow từ năm 2004. Ảnh: AFP |
Ngày diễn ra phiên toà xét xử tại bang Virginia đối với các nghi phạm gián điệp đã bị hoãn và các bị cáo được “ngay lập tức đưa đến toà án quận tại New York” để làm thêm các thủ tục. Chỉ vài giờ sau đó, một bản cáo trạng đối với toàn bộ 11 nghi phạm đã ra đời, kể cả người đã tẩu thoát tại cộng hòa Síp.
Bản cáo trạng của tòa án liên bang không thay đổi các tội trạng đã lập đối với các bị cáo về việc chuyển tiền và hoạt động dưới danh nghĩa gián điệp bất hợp pháp của nước ngoài.
Tại Nga, gia đình của chuyên gia vũ khí hạt nhân Igor Sutyagin cho biết, Sutyagin đã được đưa ra khỏi nơi giam giữ tận phía bắc nước Nga về Moscow và đã ký vào bản nhận tội với sự chứng kiến của quan chức Moscow và Mỹ. Sutyagin đã bị kết án và giam giữ tại Nga từ năm 2004 vì đã chuyển giao tài liệu mật cho tình báo Mỹ.
Anh trai của Sutyagin cho biết, Sutyagin, bị hình phạt 14 năm tù giam, được báo cho biết nằm trong số những gián điệp bị kết án sẽ được trao đổi để lấy những tù binh bị FBI bắt giữ.
Bà Svetlana, mẹ của Sutyagin cho biết con trai bà sẽ được chuyển đến Vienna, sau đó là London để được tự do vào ngày thứ năm 8-7.
Giới chức Nga đã cho Sutyagin thấy bản danh sách 11 người có thể được trao trả. Sutyagin cho rằng mình đã bị ép ký vào bản thú tội, mặc dù không muốn rời khỏi nước Nga, quê hương mình.
Anh ruột của Sutyagin mô tả đó là một trong chuỗi những sự kiện đặt nền móng để Nga phóng thích Sutyagin và những người bị kết tội gián điệp đã bị kết án khác để đổi lấy các thành viên của các gián điệp bị bắt tại Mỹ.
Mặc dù các tin tức chính thức của cuộc trao đổi được giữ kín nhưng việc khẩn trương đưa các bị cáo về New York đã rõ ràng. Các bị cáo thú nhận các tội trạng để lập hồ sơ tại New York càng sớm, thì việc trao đổi càng diễn ra nhanh chóng.
Tại Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng phát biểu rằng ông không bình luận gì về thông tin của vụ trao đổi này. Đó là việc của các cơ quan thi hành pháp luật.
Đây có thể là vụ trao đổi lớn nhất kể từ khi 25 tù binh tại Ba Lan và Đông Đức và 4 tù binh tại Mỹ được trao đổi vào năm 1985.
Quang Hiển (Theo CNN, AP)