.
Thế giới tuần qua

Phá băng!

.

Phó Tổng thống Joe Biden cùng vợ, bà Jill, chào mừng Ngày Quốc khánh Mỹ (4-7) bằng cuộc gặp gỡ binh sĩ ở Iraq trước khi bắt đầu hội đàm với các nhà lãnh đạo của đất nước Vùng Vịnh này nhằm làm tan băng sau bầu cử, thúc đẩy thành lập một chính phủ mới.

Phó Tổng thống Biden (phải) gặp gỡ Tướng Ray Odierno (giữa) và Đại sứ Mỹ ở Iraq Christopher Hill tại Baghdad. Ảnh: Reuters  

Trong hàng loạt cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Iraq có Tổng thống Jalal Talabani. Song, các cuộc hội đàm riêng rẽ được mong đợi nhất trong chuyến công du bất ngờ lần thứ hai đến Baghdad trong năm nay của ông Biden là với Thủ tướng Nouri al-Maliki và đối thủ chính Ayad Allawi - cựu Thủ tướng lâm thời.

Ông Biden có mặt ở Baghdad từ đêm 3-7 trong lúc có những quan ngại rằng, chính sách của Washington đối với Iraq thật mờ mịt và đây sẽ là một thông điệp về sự thất bại của Mỹ gửi đến Taliban. Nhưng sự hiện diện của ông Biden cùng với khẳng định về “cam kết dài hạn” của Mỹ với Iraq là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng vẫn đang quan tâm đến cục diện ở chiến trường này. Đồng thời, Mỹ cũng muốn các nhà lãnh đạo Iraq thúc đẩy nhanh hơn giải pháp hiệu quả tại nơi đây. 

Khủng hoảng chính trị sau bầu cử ở Iraq đang đe dọa tạo ra khoảng trống quyền lực bởi đất nước này trong thế giằng co giữa 2 đối thủ Maliki và Allawi có thể trống một chính phủ mới trong lúc quân đội Mỹ chuẩn bị hoàn tất sứ mệnh để trở về nước. Chính trị gia người Shiite Ayad Allawi khẳng định rằng, ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử và có quyền trở thành Thủ tướng, nhất là khi liên minh của ông được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tỉnh có người Sunni sinh sống.

Tuy nhiên, Thủ tướng Maliki đấu tranh để tiếp tục tại vị và tìm cách ngăn cản các cơ hội của đối thủ Allawi trong việc hình thành một siêu đảng Shiite với 159 ghế, tức chỉ còn thiếu 4 ghế thì sẽ giành được đa số trong Quốc hội 325 ghế. Một số nhà phân tích cho rằng, cả hai đang tiến gần đến một thỏa thuận thành lập chính phủ, nhưng nếu không có áp lực từ Mỹ thì sẽ không có những cái bắt tay nồng ấm nào và sự việc này sẽ chẳng đi đến đâu.

Hy vọng bế tắc ở Iraq trong 4 tháng qua sẽ được giải quyết, Phó Tổng thống Biden so sánh tiến trình chính trị ở quốc gia này như sự tranh cãi mà các chính phủ khác cũng thường phải đối mặt sau bầu cử. Ông cũng bày tỏ mong muốn chính phủ mới sẽ đại diện cho tất cả các bên. Song, các nhà phân tích và một số nghị sĩ Iraq quan ngại tiến trình thành lập chính phủ có thể kéo dài một vài tháng.

Theo Michael O’Hanlon - một chuyên gia về Iraq tại Viện Brookings, chuyến công du của ông Biden có thể thúc đẩy cục diện. Năm ngoái, lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút ra khỏi một số thành phố ở Iraq và đang nỗ lực để kết thúc các hoạt động vào ngày 1-9 năm nay, tiến đến cắt giảm binh sĩ từ 90.000 còn 50.000. Vì thế, sự ổn định của Iraq - di sản của người tiền nhiệm G.W.Bush đang là mối quan tâm rất lớn của Washington, là thước đo đánh giá mức độ thành công của cuộc chiến này, để Tổng thống Obama tránh được những chỉ trích của dư luận cũng như của đảng đối lập. 

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.