.
Thế giới tuần qua

“Phòng vệ tự nhiên”

.

Đây là cách gọi của Nhà Trắng cho cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, bất chấp những đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên, bắt đầu từ hôm qua (25-7). Cuộc tập trận 4 ngày đúng theo kế hoạch trên biển Nhật Bản với sự tham gia của 20 tàu chiến, 200 máy bay cùng 8.000 binh sĩ hai nước, trong đó có sự hiện diện của tàu sân bay trang bị vũ khí hạt nhân USS George Washington, trọng tải 97.000 tấn - một trong những biểu tượng sức mạnh nhất của quân đội Mỹ. Đồng thời, lần đầu tiên máy bay F-22 Raptor sẽ thực hiện các chuyến bay huấn luyện quanh khu vực bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay có trang bị vũ khí hạt nhân USS George Washington trong cuộc tập trận. (Ảnh: THX/Yonhap)


Washington và Seoul cho rằng, lần tập trận này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến CHDCND Triều Tiên sau vụ đắm tàu Cheonan hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, động thái thách thức trên đang làm bán đảo Triều Tiên dậy sóng với tuyên bố từ phía Bình Nhưỡng rằng, họ sẽ sử dụng biện pháp “răn đe hạt nhân mạnh” để đáp trả. Theo CHDCND Triều Tiên, đây là diễn tập cho một cuộc tấn công vào quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên này. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng nước này khẳng định: Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn hoàn toàn là hành vi khiêu khích trắng trợn nhằm áp chế CHDCND Triều Tiên bằng sức mạnh vũ khí, quân đội và người dân nước này sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh thần thánh bất kỳ lúc nào cần thiết để chống trả.

Tập trận chung Mỹ - Hàn cũng đang là mối quan tâm của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Phía Bắc Kinh vẫn chỉ trích hành động của Mỹ và Hàn Quốc gây thêm căng thẳng cho khu vực. Trong khi đó, với một động thái chưa từng có trong tiền lệ, Nhật Bản phái 4 sĩ quan hải quân thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia cuộc tập trận với tư cách là quan sát viên.

Đến lúc này, bán đảo Triều Tiên vẫn đang được đặt trong tình trạng chiến tranh mặc dù cuộc chiến liên Triều 1950-1953 đã qua đi từ rất lâu. Những động thái mới mang tính chất đáp trả của 2 miền vẫn không ngừng diễn ra với sự không khoan nhượng khiến dư luận lo ngại sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh mới. Vụ Cheonan xảy ra châm ngòi cho ngọn lửa vốn đang cháy âm ỉ. Song, khi đặt vấn đề ai được lợi nếu có một cuộc đụng độ như thế thì các nhà quan sát cũng băn khoăn bởi cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên đều không hưởng lợi từ những căng thẳng và đối đầu này.

Về mặt kinh tế, có thể nhận thấy rõ ràng nhất là những lợi ích và mối quan tâm chung tại khu công nghiệp Kaesong bị ảnh hưởng. Tệ hại hơn là quan hệ giữa 2 quốc gia phía Bắc và phía Nam vốn có quá nhiều tranh chấp, bất đồng sẽ chẳng biết khi nào mới có thể hàn gắn được. Chẳng thế mà hai bên cứ đe dọa rồi nhờ có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, của các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì kiềm chế, rồi sau đó lại khiêu khích. Ngay cả Liên Hợp Quốc với sự thúc giục của Mỹ cũng muốn ra phán quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên, nhưng rồi lại xoa dịu bằng một tuyên bố chung chung và “né” nêu đích danh Bình Nhưỡng.

Rồi sẽ còn nhiều cuộc tập trận khác diễn ra, theo kế hoạch của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng hiện vẫn chưa rõ CHDCND Triều Tiên sẽ đưa ra biện pháp đáp trả cụ thể như thế nào.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.