.

Thủ lĩnh Khmer Đỏ lãnh án 35 năm tù

.

(ĐNĐT) - Ngày 26-7, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ đã kết án Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, gã "đồ tể" khét tiếng tại nhà tù Tuol Sleng, 35 năm tù.

"Đồ tể" Duch đã nhận tội thảm sát, tra tấn, hãm hiếp, có những hành động man rợ, tội ác chống lại loài người và các tội trạng khác. Duch thừa nhận đã giám sát việc tra tấn và giết hại hơn 14.000 người.

"Đồ tể" Duch thản nhiên khi nghe tuyên án tại phiên tòa ngày 26-7. Ảnh: AP

Tuy nhiên, "đồ tể" Duch sẽ chỉ ngồi tù chưa đầy 19 năm, bởi tòa giảm 5 năm cho thời gian y bị giam giữ bất hợp pháp trước khi phiên toà do LHQ bảo trợ được thiết lập, tòa còn giảm thêm 11 năm nữa cho thời gian y đã bị giam giữ. Trước đó, các công tố viên đã đề xuất mức án 40 năm tù đối với Duch.

Khi bản án được tuyên, Duch không biểu lộ cảm xúc nào nhưng những người dân Campuchia đã khóc thật to tại toà.

Hong Sovath, một phụ nữ 47 tuổi vừa khóc vừa nói rằng: “Phiên toà không công bằng, tôi muốn hắn phải ngồi tù suốt đời”. Cha của Hong Sovath đã bị giết trong nhà tù Tuol Sleng.

Khan Mony, người có dì bị treo cổ sau khi trải qua nhà tù của Duch, cho biết mìnhthật thất vọng. Anh cho rằng bản án không công bằng. Duch đã giết quá nhiều người. Mony cho rằng nếu phiên tòa này phán xét công bằng, người dân sẽ bình tĩnh và chấp nhận.

Phiên toà cho biết, đã có ít nhất 12.273 người bị giết tại nhà tù Tuol Sleng của Duch. Nhà tù này từng là một trường trung học và được biết với cái tên S-21. Tòa thừa nhận con số người chết có thể là 14.000 người.

Theo các công tố viên, "đồ tể" Duch đã từng ra lệnh sử dụng những biện pháp tra tấn tàn bạo nhất để lấy những “lời nhận tội” từ những người bị giam giữ, kể cả rút móng chân họ hoặc cho sốc điện và y đã phê chuẩn tất cả các án tử hình.

Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Duch đã biến mất trong gần 2 thập niên, sống dưới nhiều cái tên giả tại vùng tây bắc Campuchia và cải thành người theo đạo Cơ đốc. Y tình cờ bị phát hiện bởi một nhà báo người Anh và bị bắt vào năm 1999.

Chỉ hơn chục người bị giam giữ tại nhà tù Tuol Sleng được cho là sống sót, 3 người trong số đó hiện vẫn còn sống.

Quang Hiển (Theo BBC, CNN, Reuters)

;
.
.
.
.
.