Cuộc bỏ phiếu ngày 4-8 được xem là bước tiến lịch sử để hướng đến một Chính phủ thật sự hiệu quả. Kể từ khi giành độc lập vào năm 1963, Kenya được điều hành theo hệ thống chính trị “người thắng vơ cả”, gây ra chia rẽ dân tộc. Không những thế, nền kinh tế lớn nhất Đông Phi này còn trở thành một trong những nước tham nhũng nhất “lục địa đen”. Cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp đầu tiên vào ngày 4-8 được cho là sẽ thay đổi diện mạo của Kenya.
Thủ tướng Kenya Raila Odinga bỏ phiếu tại Kibera, thuộc Nairobi. (Ảnh: Reuters) |
Cả Tổng thống Mwai Kibaki và Thủ tướng Raila Odinga đều ủng hộ Hiến pháp mới, theo đó sẽ giảm các quyền hạn của Tổng thống và trao thêm quyền cho người dân. Cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp là một trong những điều kiện chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống Kibaki và Thủ tướng Odinga nhằm kết thúc bạo lực kéo dài từ năm 2007-2008. Thăm dò trước thềm trưng cầu dân ý cũng cho thấy, hầu hết cử tri Kenya sẽ ủng hộ Hiến pháp mới.
AP cho rằng, đây là dấu hiệu minh chứng rằng người dân quốc gia Đông Phi này lạc quan vào sự thay đổi mà Hiến pháp mới sẽ mang lại. Tổng thống Kibaki cũng cam kết rằng, đông đảo người dân nước ông đi bỏ phiếu trong hòa bình. Các nhà lãnh đạo Kenya đã kêu gọi thực hiện trưng cầu dân ý hòa bình và cam kết gia tăng an ninh nhằm tránh bạo lực sau bầu cử.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đã thúc giục Kenya thông qua Hiến pháp. Trong khi đó, các lãnh đạo chính trị và tôn giáo tiến hành những chiến dịch chống lại Hiến pháp với cáo buộc rằng Chính phủ có kế hoạch gian lận trong cuộc bỏ phiếu lần này. Song, người đứng đầu Ủy ban bầu cử Kenya khẳng định, việc bỏ phiếu sẽ minh bạch hơn cuộc bầu cử Tổng thống hồi cuối năm 2007 và việc kiểm phiếu sẽ được phát sóng trực tiếp trên các đài phát thanh và truyền hình. Kết quả trưng cầu dân ý sẽ được công bố vào ngày mai (6-8).
BÌNH YÊN