.

Lần đầu tiên Mỹ dự kỷ niệm ngày Hiroshima bị ném bom nguyên tử

.

(ĐNĐT) - Ngày 5-8, đại diện của 75 quốc gia cùng hàng nghìn người đã dự lễ tưởng niệm 65 năm ngày quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Mỹ - nước đã ném quả bom xuống Hiroshima, đã cử đại diện tham dự lễ tưởng niệm.

Một thiếu nữ Nhật Bản cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ ném bom Hiroshima tại Công viên tưởng niệm hòa bình, Hiroshima, Nhật Bản, ngày 5-8.
Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton cho rằng Mỹ đã cam kết sẽ loại trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Bà nói: “Tổng thống Obama đã cam kết trong hành động hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tổng thống đã nói nhiều lần rằng ông nhìn nhận đây là một mục tiêu lâu dài”.

Quyết định của Mỹ về việc cử Đại sứ tại Tokyo, John Roos, đến dự lễ tưởng niệm được Nhật Bản cho là một dấu hiệu cho thấy rằng Tổng thống Barack Obama có thể quyết định viếng thăm Hiroshima khi ông tới Nhật Bản. Nếu điều đó là có thật thì ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima.

Anh và Pháp, hai cường quốc hạt nhân khác, cũng lần đầu tiên có mặt tại lễ tưởng niệm Hiroshima.

Sau khi đến Hiroshima dự lễ tưởng niệm vào ngày 5-8, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: “Chỉ có một cách bảo đảm rằng vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được sử dụng là loại trừ tất cả. Thế giới của chúng ta không được phép chứa chấp loại vũ khí vô nhân đạo đó”.

Tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, sự hiện diện của ông Ban Ki-moon chính là sự ủng hộ đối với kế hoạch 5 điểm của ông đối với việc giải trừ hạt nhân và không phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, ông sẽ triệu tập một hội nghị giải trừ tại New York vào tháng 9 mà ông cho rằng: “Chúng ta sẽ đẩy mạnh các cuộc thương lượng về tiến trình giải trừ hạt nhân. Một hiệp ước mạnh mẽ về cấm thử vũ khí hạt nhân và một hiệp ước cắt giảm vật chất chiết xuất”.

Ngoài ra, ông Ban còn kêu gọi ủng hộ việc “giáo dục giải trừ hạt nhân” trong các trường học, kêu gọi việc dịch thuật những lời kể của những nạn nhân sống sót sang tất cả các ngôn ngữ phổ biến thế giới.

Khoảng 140.000 người đã bị chết hoặc chết trong vòng vài tháng sau khi quả bom được ném từ một máy bay chiến đấu của Mỹ vào năm 1945, vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ II. Nhật Bản đã đầu hàng sau khi quả bom nguyên tử thứ hai được ném xuống thành phố Nagasaki vào ngày 9-8-1945.

Quang Hiển (Theo BBC, CNN)

;
.
.
.
.
.