.

Mỹ lãng phí hàng tỷ USD ở Iraq

.

Mỹ rút quân khỏi Iraq sẽ bỏ lại hàng trăm dự án còn dang dở. Một nhà tù tiêu tốn 30 triệu USD nằm ở sa mạc phía Bắc thủ đô Baghdad đang bị bỏ trống. Một bệnh viện 165 triệu USD ở miền Nam không được sử dụng.

Mô tả ảnh.

Nước thải vẫn tràn lan trên đường phố ở Fallujah. (Ảnh: AP)

Một hệ thống xử lý nước thải ở Fallujah với chi phí đội lên gấp 3 lần so với dự toán được triển khai nhưng nước thải vẫn tràn trên đường phố. AP dẫn số liệu thống kê cho biết, hơn 5 tỷ USD ngân sách thuế của Mỹ đang đầu tư lãng phí cho những dự án này và hơn 10% của 53,7 tỷ USD được Mỹ đổ vào cho việc tái thiết Iraq.

Song, theo hãng tin AP, những con số trên vẫn là ước tính thấp và được dựa trên phân tích của hơn 300 báo cáo của các nhà kiểm tra trong cuộc tổng thanh tra đặc biệt về công tác tái thiết quốc gia vùng Vịnh này, nhưng không bao gồm chi phí cho an ninh, vốn chiếm khoảng 17% của một số dự án. AP cho rằng, tất nhiên vẫn có những câu chuyện thành công, như xây dựng thành công hàng trăm trạm cảnh sát, các vị trí phòng thủ biên giới, các tòa nhà Chính phủ.

Lực lượng an ninh Iraq được cải thiện sau nhiều năm huấn luyện và một cảng nước sâu ở trung tâm dầu mỏ miền Nam Umm Qasr cũng được phục hồi. Đại tá Jon Christensen, người đứng đầu đoàn công binh lục quân Mỹ tại Iraq trong mùa hè này nói rằng, họ đã hoàn thành hơn 4.800 dự án và đang thúc đẩy 233 dự án khác, đồng thời chấm dứt 595 dự án khác, phần lớn vì lý do an ninh. Chương trình tái thiết Iraq đã vấp phải những khó khăn ngay từ ban đầu sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến ở đất nước này. Mỹ buộc phải thực hiện nhiều dự án để có được lòng tin của người dân Iraq, ngay cả khi họ biết rõ sự vô ích với chi phí thông thường tiêu tốn gấp đôi hoặc gấp ba lần dự tính ban đầu.

Tháng 3-2004, đoàn công binh lục quân Mỹ trao cho Công ty Parsons Corp. hợp đồng trị giá 40 triệu USD tái thiết Iraq để thiết kế và xây dựng một nhà tù cho 3.600 tù nhân, cùng với các cơ sở giáo dục, dạy nghề. Theo đó, dự án này phải hoàn thành vào tháng 11-2005. Tuy nhiên, bạo lực lan tràn khắp nơi với xung đột sắc tộc giữa lực lượng cực đoan Sunni và người Shiite, kéo theo dự án bắt đầu chậm 6 tháng, rồi sau đó thất bại. Một vấn đề khác là sự phối hợp giữa Mỹ với người Iraq không đạt hiệu quả.

AP dẫn lời bà Shaymaa Mohammed Amin, Giám đốc Ủy ban Phát triển và tái thiết tỉnh Diyala rằng, các nhà chức trách Iraq bị buộc phải tiếp nhận các cơ sở do Mỹ xây dựng còn dang dở, thậm chí một bệnh viện được chuyển giao cho chính quyền địa phương mà không có hệ thống cầu thang. Trong khi đó, thời gian hoàn thành hệ thống xử lý nước thải ở Fallujah chậm đến 4 năm, với chi phí gấp 3 lần so với ước tính là 32,5 triệu USD, nhưng vẫn thiếu các ống dẫn đến hộ dân và đường ống dẫn vào các bể lân cận để chảy ra nhà máy xử lý.

Tối 31-8 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng vai trò của Mỹ ở Iraq đã thay đổi theo hướng tốt, với việc giữ lại một số binh sĩ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng Iraq. Tuy nhiên, tại Iraq, các nhà lãnh đạo chính trị khẳng định họ không thể thành lập một Chính phủ kể từ bầu cử hồi tháng 3 vừa qua đến nay. Riêng trong tuần qua, việc những kẻ đánh bom và các tay súng đã giết hại hơn 50 dân thường càng khẳng định rằng khủng bố có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Trong tương lai, mức độ bạo lực ở Iraq có thể giảm đáng kể, nhưng an ninh và dân chủ vẫn là những dự án chưa được hoàn thành.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.