.
Thế giới tuần qua

Giấc mơ thế giới phi hạt nhân

.

Giấc mơ về thế giới phi hạt nhân là ước vọng mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) ấp ủ trước thềm 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản kỷ niệm 65 năm hứng chịu bom nguyên tử. Đó cũng là thông điệp mà người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới gửi gắm đến Hội nghị Hiroshima về phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân vào năm 2020 diễn ra ở Nhật Bản vào tuần qua.

Hiroshima trở thành một thành phố chết vào năm 1945 với ít nhất 160.000 người thiệt mạng. Ảnh: EPA
Thế giới phi hạt nhân sẽ thúc đẩy an ninh toàn cầu, trên cương vị Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon đã từng nhiều lần nhấn mạnh điều này. Song, theo ông, dường như việc giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn chỉ là giấc mơ nếu không có sự bắt tay hợp tác của tất cả các quốc gia. Bởi lẽ, loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm an ninh cho thế giới.

“Trong chuyến công du đến Hiroshima và Nagasaki, tôi sẽ gửi một thông điệp quan trọng và mạnh mẽ đến thế giới rằng, mối đe dọa hạt nhân là thực tế và rằng, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hướng đến thế giới phi vũ khí hạt nhân”, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki sẽ là chặng dừng chân của ông vào ngày 5 và 6-8. Lần đầu tiên một Tổng Thư ký LHQ hiện diện tại lễ kỷ niệm sự kiện ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, ông Ban dự kiến gặp gỡ những nạn nhân sống sót - những nhân chứng sống, như cách kêu gọi thuyết phục nhất về việc cấp thiết phải giải giáp hạt nhân toàn cầu.

Ngoài ra, lần đầu tiên đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, ông John Roos, cũng sẽ tham dự sự kiện này. Theo báo Telegraph, sự có mặt của một đại sứ Mỹ phản ánh hy vọng của Tổng thống Barack Obama về một thế giới phi hạt nhân cũng như gửi gắm ước vọng của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đến thăm thành phố Hiroshima và Nagasaki. Trong khi đó, Anh cũng đang xem xét cử một đại diện và Pháp cũng tuyên bố sẽ cử một đặc sứ đến Hiroshima.

Ngày 6-8-1945, Mỹ đã dội bom nguyên tử xuống Hiroshima, khiến ít nhất 160.000 người thiệt mạng trong vòng 4 tháng. Nagasaki hứng chịu số phận tương tự chỉ 3 ngày sau đó, trước khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày 15-8-1945, kết thúc Thế chiến thứ II.

Để hướng đến thế giới phi hạt nhân, năm 2008, ông Ban Ki-moon đã vạch ra kế hoạch gồm 5 điểm. Theo đó, các nước thành viên Hiệp ước không phổ biến hạt nhân thương lượng giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua một công ước mới hoặc hàng loạt các công cụ hỗ trợ khác. Kế hoạch cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ xem xét những phương thức khác nhau để tăng cường an ninh trong tiến trình giải trừ quân bị, các biện pháp tăng cường luật pháp, trách nhiệm và sự minh bạch, thúc đẩy tiến trình loại trừ các loại vũ khí hủy diệt khác, hạn chế tên lửa và vũ khí thông thường.

Góp phần vào nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ về thế giới phi hạt nhân của ông Ban Ki-moon là việc Công ước cấm bom bi - Công ước giải trừ quân bị được thông qua ngày 30-5-2008 tại Dublin (Ireland) và được đánh giá mang ý nghĩa nhân văn nhất hơn một thập kỷ qua - chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. Công ước này cấm sử dụng, sản xuất, tàng trữ và mua bán bom bi, kêu gọi tiêu hủy hết số lượng bom bi đang được tàng trữ trên toàn thế giới trong 8 năm và rà phá các khu vực còn sót bom bi trong 10 năm, đồng thời kêu gọi trợ giúp các nạn nhân của loại vũ khí này.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.