.

Thúc đẩy thỏa thuận về biến đổi khí hậu

.

Hội nghị diễn ra tại Bonn (Đức) được cho là nỗ lực tiếp tục lấy lại lòng tin sau thất bại của Hội nghị Copenhagen vào năm ngoái. Vòng đàm phán thứ ba của hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức từ ngày 2-8 đến 6-8 nhằm thúc đẩy lộ trình và giải pháp tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh tại Cancun (Mexico) vào tháng 11 tới, thống nhất hoặc mở rộng một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto vốn hết hạn vào năm 2012. Hội nghị này còn là tiền đề chuẩn bị cho các nước nghèo đối phó với sự ấm nóng toàn cầu. 

Binh sĩ Pakistan giúp dân làng rời khỏi vùng Taunsa ngập lũ. Việc biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều thảm họa tự nhiên trên khắp thế giới. Ảnh: AP

Giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu của LHQ, bà Christiana Figueres nói rằng, có rất nhiều vấn đề quan tâm tại hội nghị ở thành phố Bonn. Phát biểu tại lễ khai mạc trước các phái đoàn của 178 quốc gia, bà Figueres kêu gọi Mỹ “tham gia một cách ý nghĩa” trong các cuộc đàm phán và đó là cách tương xứng với trách nhiệm về khí hậu. Thỏa thuận hiện có trong việc cắt giảm khí thải carbon giai đoạn 2008-2012 được sự tham gia của 40 nước phát triển. Song, những mục tiêu mới đặt ra là cần có sự tham gia của ít nhất 143 nước.

Theo AP, Mỹ khẳng định với các nhà đàm phán quốc tế: Washington vẫn giữ cam kết giảm khí thải carbon trong vòng 10 năm tới, bất chấp dự luật đã bị các nhà lập pháp nước này bác bỏ. Hội nghị Thượng đỉnh tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm ngoái kết thúc với một thỏa thuận yếu ớt bởi không xóa được những bất đồng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 quốc gia được coi là thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, thất bại của Mỹ trong việc thông qua dự luật biến đổi khí hậu đã gây khó khăn cho các cuộc đối thoại trong khối các nước 27 thành viên này. EU cam kết trong vòng 10 năm tới sẽ cắt giảm khí thải 20% của mức năm 1990, nhưng muốn nâng mục tiêu lên 30% nếu Mỹ và các quốc gia gây ô nhiễm lớn khác cũng đạt được các mục tiêu tương tự. 

Ngày 2-8, các phái đoàn tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu tại Đức bày tỏ mong muốn rằng, sẽ không để lặp lại một Hội nghị Copenhagen trong năm nay. Các phái đoàn đã dẫn chứng thảm họa lũ lụt đang xảy ra tại Pakistan và cho rằng, đây là một trong những ví dụ điển hình nhất về sự khắc nghiệt của khí hậu - hệ quả của biến đổi khí hậu.

Theo Huikang Huang, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các cuộc đối thoại biến đổi khí hậu, cho rằng các nước cần tiến tới đàm phán về các hành động thật sự càng sớm càng tốt. Huang nhấn mạnh: Vấn đề trọng tâm của đối thoại lần này là các nước phát triển nên thể hiện trách nhiệm lịch sử, pháp lý đối với việc biến đối khí hậu. Trong một nỗ lực phá vỡ bế tắc hiện tại, Chủ tịch tổ công tác của LHQ sẽ liên hệ với các Chính phủ để thúc đẩy các nội dung cho thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.