.

Ai Cập: Bản đồ chống quấy rối tình dục

.

Năm 2008, Trung tâm Nhân quyền phụ nữ Ai Cập thực hiện một cuộc nghiên cứu về tình trạng phụ nữ bị quấy rối tình dục. Kết quả cho thấy có đến 83% phụ nữ Ai Cập và 98% phụ nữ nước ngoài đã bị quấy rối với nhiều hình thức khác nhau như cử chỉ, lời nói và hành động khiếm nhã…

Mô tả ảnh.

Dự án HarassMap rất được phụ nữ Ai Cập chờ đợi...

Có một điều rất lạ là tình trạng bị quấy rối không phải là những phụ nữ ăn mặc thời trang mà có đến 3/4 là những phụ nữ Hồi giáo ăn vận kín đáo. Tình trạng này ngày một gia tăng đáng quan ngại, các tổ chức hoạt động vì phụ nữ ở Ai Cập đã liên tục lên tiếng. Chính vì thế, Quốc hội nước này đã đưa ra bàn thảo một loạt các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này.

Trong lúc các tổ chức hoạt động vì phụ nữ chưa tìm được hướng ra, Quốc hội cũng chưa quyết đạo luật nào thì một doanh nghiệp tư nhân đã có hướng đi độc đáo khi áp dụng công nghệ cao vào phòng chống quấy rối tình dục. Đó là dự án lập ra bản đồ mang tên HarassMap (tạm dịch là Bản đồ quấy rối). Nó cho phép phụ nữ lập tức gửi tin nhắn ngay khi bị quấy rối về máy trung tâm. Và cũng ngay lập tức, các nạn nhân cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ và những lời khuyên hành động. Những tin nhắn đó sẽ được lưu lại để lập sơ đồ cho những “điểm đen” quấy rối tình dục.

Mô tả ảnh.

...bởi họ thường bị quấy rối ở nơi công cộng.

Dự án này sử dụng công nghệ lập bản đồ bằng mã nguồn mở mà các tổ chức từ thiện, cứu trợ nhân đạo thường sử dụng. Các nhà hoạt động hy vọng nó sẽ làm thay đổi ý thức cộng đồng về tình trạng quấy rối tình dục, đồng thời đánh động cho chính quyền cần phải mạnh tay hơn nữa trước tình trạng này. “Trong vài năm gần đây, các nhà hoạt động vì phụ nữ ở Ai Cập tranh luận rất nhiều về việc quấy rối tình dục trên đường phố là vấn đề nghiêm trọng”, Rebecca Chiao – một trong những tình nguyện viên của dự án này – nói.

Do đó, HarassMap sẽ có tác động đáng kể đến khả năng giải quyết vấn đề. Nó giúp cho nạn nhân cách phản ứng lại một cách hiệu quả nhất thông qua những kinh nghiệm đã được lưu giữ tại máy chủ. Chiao tiếp tục lập luận “Ai Cập là nhà của chúng ta. Quấy rối tình dục là nỗi khổ của gia đình chúng ta nên cả gia đình cần phải ngồi lại để sửa chữa nhằm giúp cho gia đình tốt đẹp hơn bởi đó là cách chúng ta bảo vệ hình ảnh của gia đình mình. Vấn đề này không thể tự biến mất đi được mà phải giải quyết với tinh thần xây dựng vì sự tiến bộ”. Tức là ngoài chuyện bảo vệ phụ nữ Ai Cập, bản đồ HarassMap giúp xây dựng một đất nước thân thiện hơn với người nước ngoài. 

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.