.

Hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc

.
Không có tuyên bố nào về thời gian đàm phán trở lại của Israel và Palestine. Vụ tấn công bằng súng cối của các chiến binh Palestine và các cuộc không kích của Israel đã góp phần không lay chuyển được tiến trình hòa bình Trung Đông khi các nhà lãnh đạo kết thúc vòng đàm phán cuối cùng vào tối 15-9.
 
Mô tả ảnh.
Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Jerusalem với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) vẫn không mang lại kết quả. Ảnh: AP
 
Những vấn đề quan trọng giữa Israel và Palestine vẫn bế tắc, gây chia rẽ. Các cuộc đàm phán do Mỹ hậu thuẫn giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn còn dang dở trong hoài nghi về nỗ lực mới nhằm kết thúc sự thù địch kéo dài và tạo ra một nhà nước Palestine độc lập.

Hãng AP dẫn lời ông George Mitchell, đặc sứ của Tổng thống Mỹ Barack Obama về hòa bình Trung Đông, phát biểu trong phiên họp tối 15-9 rằng các cuộc đối thoại không mang lại thỏa thuận nào. Ông Abbas và Netanyahu đã gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton trong 2 tiếng đồng hồ tại dinh thự của nhà lãnh đạo Israel ở Jerusalem, thống nhất tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình mới.
 
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đang đối mặt với khủng hoảng lớn về việc gia hạn thêm thời gian phong tỏa xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây, theo dự kiến kết thúc việc phong tỏa vào cuối tháng 9 này. Hiện chưa rõ khi nào đàm phán giữa Israel và Palestine sẽ được nối lại. Song, theo đặc sứ Mitchell, các quan chức cấp thấp sẽ gặp nhau vào tuần đến để bàn thảo kế hoạch cho cuộc họp giữa hai ông Abbas và Netanyahu.

AP cho hay, Ngoại trưởng Clinton cũng dự kiến gặp Tổng thống Abbas vào ngày 16-9 (giờ địa phương) tại Ramallah và sau đó đến Amman để ăn trưa với Quốc vương Jordan Abdullah II - người ủng hộ mạnh mẽ đàm phán hòa bình Trung Đông.

Các chiến binh Palestine đã phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với Israel và đe dọa sẽ làm chệch hướng đàm phán. Trong khi đó, quân đội Israel nói rằng, 8 quả đạn cối và một tên lửa đã dội vào quốc gia này vào ngày 15-9, nhưng may mắn không có thương vong. Máy bay chiến đấu của Israel đã đáp trả bằng cách dội bom vào một hầm dọc biên giới Gaza - Ai Cập khiến một người thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Theo đặc sứ Mitchell, con đường hòa bình không dễ dàng nhưng ông vẫn nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này.

Jordan và Ai Cập, những nước có các hiệp ước hòa bình với Israel, đã đồng bảo trợ cho các cuộc đối thoại trong tuần này. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak chủ trì đàm phán tại Sharm el-Sheikh, còn Quốc vương Jordan Abdullah II hội đàm cùng Ngoại trưởng Clinton vào ngày 16-9 tại Amman. Đặc sứ Mitchell cho biết, ông đến Syria vào ngày 16-9 (giờ địa phương) và đến Lebanon vào ngày 17-9 để tìm kiếm việc mở rộng hòa bình Trung Đông mặc dù hiện tại không có đối thoại trực tiếp giữa Israel với bất kỳ quốc gia nào khác.

Đàm phán trực tiếp Palestine-Israel khởi động từ ngày 2-9 tại Washington. Mỹ đặt thời hạn một năm để giải quyết dứt điểm cuộc xung đột Israel-Palestine, hướng tới thành lập Nhà nước Palestine. Trong khi đó, theo AP, các nhà phân tích của Mỹ đã nêu những quan điểm không thống nhất về triển vọng hòa bình Trung Đông. Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và hiện là Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại ở Viện Brookings, bày tỏ sự lạc quan và cho rằng, mọi việc có thể được tháo gỡ khi Thủ tướng Israel Netanyahu quyết định nới thêm thời hạn phong tỏa xây dựng các khu tái định cư. Tuy nhiên, Jim Phillips - chuyên gia về Trung Đông tại Tổ chức Heritage - lại bi quan. Ông quan tâm đến vấn đề Iran và Hamas - nhóm chiến binh của Palestine đang kiểm soát Gaza. Theo ông, sẽ không có hòa bình thật sự khi Hamas còn nhận được sự hậu thuẫn từ phía Iran.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.