.

Người Pháp phản đối luật hưu trí

.
Các tổ chức công đoàn của Pháp, ngày 22 và 23-9, đã tổ chức biểu tình với hơn 2 triệu người đổ ra đường phố nhằm phản đối kế hoạch của Tổng thống Nicolas Sarkozy tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 tuổi.

Mô tả ảnh.
Người dân chờ đợi tàu tại nhà ga Nice, miền Nam nước Pháp, ngày 23-9 trong lúc diễn ra các cuộc biểu tình. (Ảnh: AP)
Tổng thống Sarkozy đang đứng trước hàng loạt thách thức. Ông bị Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích vì việc trục xuất người Gypsy, bị giới truyền thông lên án xung quanh một vụ scandal về tài chính. Nay nhà lãnh đạo này đối mặt với biểu tình quy mô lớn về các kế hoạch cải cách của ông. Song, vấn đề đặt ra không chỉ là chương trình cải cách gây tranh cãi ở nước Pháp mà còn là sự tồn tại đối với sự nghiệp chính trị của cá nhân ông khi chỉ còn gần 2 năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.

Từ tối 22-9, các cuộc đình công ở một số ngành công cộng đã bắt đầu diễn ra và dự kiến ảnh hưởng đến giao thông công cộng, giao thông hàng không và cả các trường học trên khắp đất nước. Cuộc biểu tình lần này là ngày hành động toàn quốc lần thứ hai do các tổ chức công đoàn Pháp phát động. Hai tuần trước, ước tính có khoảng 2,5 - 2,7 triệu công nhân Pháp biểu tình trên đường phố để đấu tranh với luật cải cách. Các quan chức Cơ quan Hàng không dân dụng cho biết, 50% chuyến bay tại sân bay Paris Orly, 40% chuyến bay tại sân bay Charles de Gaulle và 40% chuyến bay tại các sân bay khác đã bị hoãn, trong đó có 25% chuyến bay hoãn vào ngày 7-9 vừa qua.

Các tổ chức công đoàn đang hy vọng các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn thế nhằm yêu cầu Chính phủ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 60. Luật cải cách hưu trí đã được Hạ viện Pháp thông qua và sẽ đưa ra Thượng viện vào ngày 5-10 tới. Song, theo giới quan sát, Thượng viện cũng sẽ dễ dàng thông qua luật này.

Cải cách chế độ hưu trí là một trong số những ưu tiên cải cách của Chính phủ Pháp. Theo đó, từ nay đến năm 2018, tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp được nâng từ 60 lên 62 tuổi. Theo quy định hiện tại với tuổi nghỉ hưu là 60, phụ nữ và nam giới Pháp nhận trợ cấp lương hưu đầy đủ nếu họ nộp các khoản an sinh xã hội trước đó, trung bình với hầu hết người lao động là 40,5 năm. Trong khi theo luật mới, số năm lao động sẽ tăng lên 41,5 năm.

Chính phủ Pháp coi việc cải cách là một trong những giải pháp quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia. 2 năm qua, thâm hụt ngân sách hưu trí của Pháp đã tăng gấp 3 lần, lên tới 32 tỷ euro trong năm nay và có nguy cơ lên tới 45 tỷ euro vào năm 2020. Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Chính phủ cho biết, việc cải cách hưu trí có thể tiết kiệm 70 tỷ euro (90 tỷ USD) vào năm 2030 khi thâm hụt ngân sách của Pháp khoảng 8% GDP. Tuy nhiên, người lao động ở Pháp không ủng hộ kế hoạch của ông Sarkozy. Từ nhiều tháng qua, đã có hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công do các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp tổ chức với sự tham gia của hàng trăm nghìn người nhằm đòi Chính phủ thay đổi kế hoạch.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.