.

Thách thức toàn cầu

.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ tổ chức một hội nghị ngay tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu nhằm đưa thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Cuộc họp sẽ kéo dài từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9, sơ kết quá trình thực hiện 10 năm qua và bàn về “nước rút” 5 năm còn lại.

Mô tả ảnh.

150 thành viên đã ký Tuyên bố Thiên niên kỷ vào ngày 6-9-2000.

Năm 2000, 150 thành viên của LHQ đã ký vào Tuyên bố Thiên niên kỷ. Đó là một sáng kiến với 8 mục tiêu đầy tham vọng, nhằm cải thiện cuộc sống cho hàng tỷ người đến năm 2015. Đáng chú ý nhất là giảm một nửa tỷ lệ người dân trên toàn thế giới sống dưới 1 USD/ngày và đạt mức độ phổ cập giáo dục tiểu học. Bên cạnh những mục tiêu khác như cải thiện môi trường, nâng cao đời sống cho phụ nữ và những căn bệnh như tiêu chảy, HIV/AIDS.

Mô tả ảnh.

Nỗ lực suốt thập niên qua chưa thể giúp xóa đi hoàn toàn cảnh cơ cực như thế này.

10 năm qua, thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn như số lượng trẻ em vùng cận Sahara ở châu Phi và dân nghèo ở châu Á đến trường tăng đột biến; khả năng kiểm soát nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm HIV/AIDS ở Brazil và Nga có hiệu quả tốt. Các mục tiêu đã thành công là việc vận động chính trị, tăng nguồn tài trợ và giúp đỡ các Chính phủ tập trung vào phát triển con người.

Nhưng vẫn có một số mục tiêu chưa thực hiện được như giảm tình trạng tử vong của phụ nữ mang thai và sinh con. Kế hoạch xóa đói giảm nghèo có nguy cơ tái phát rất cao bởi giá lương thực đang ngày một tăng cao và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến các nước đang phát triển. Ở rất nhiều quốc gia, chuyện bình đẳng giới là cực kỳ khó khăn nên những người thực hiện mục tiêu đã chuyển sang việc cắt giảm tỷ lệ tử vong trẻ em sơ sinh hoặc sử dụng nguồn nước sạch. Ấn Độ từng có giai đoạn bùng nổ kinh tế nhưng vẫn còn hàng triệu người bị đói.

Có thể thấy một thập niên qua, thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực từ hành động của Tuyên bố Thiên niên kỷ nhưng để đạt được 8 mục tiêu trong 5 năm còn lại là không hề dễ dàng. Hội nghị lần này là lúc để các quốc gia thảo luận về con đường hành động phía trước nhằm vượt qua những rào cản khó khăn. Có người muốn ưu tiên phát triển kinh tế như con đường tiên quyết để phát triển.

Có người muốn nhắm đến lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm tránh tình trạng phải di dân, tạo ra những cuộc khủng hoảng nhân đạo khó lường. Thậm chí có những kế hoạch thực hiện tốt ở nơi này lại đẩy tiêu cực đến nơi khác, như tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học ở cận Sahara tăng mạnh đã làm cho hạ tiêu chuẩn giáo dục ở nhiều quốc gia khác. Đáp ứng mọi mục tiêu đến năm 2015 quả là một thách thức rất lớn cho hội nghị lần này.

ANH THƯ






;
.
.
.
.
.