.
Thế giới tuần qua

Rủi ro lương thực

.

Khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu được loại bỏ, nhưng sự biến động giá lương thực vẫn là mối đe dọa đối với an ninh lương thực và ảnh hưởng đến gần 1 tỷ người đang thiếu ăn. Cảnh báo của Tổ chức Lương - Nông (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc đưa ra vào cuối tuần qua làm gia tăng lo lắng của các phái đoàn tham dự Hội nghị các nhóm liên chính phủ (IGG) diễn ra ở Rome (Italia).

Mô tả ảnh.

Những cuộc biểu tình đã diễn ra trên đường phố Mozambique hồi đầu tháng 9 này do giá nhiên liệu và lương thực tăng. Ảnh: CNN

Các chuyên gia đến từ 75 Chính phủ cho rằng, các vụ mùa thu hoạch tốt sẽ giúp ngăn chặn lặp lại khủng hoảng lương thực như năm 2007-2008. Theo đó, cơ quan có trụ sở tại Rome này dự đoán thu hoạch ngũ cốc toàn cầu năm 2010 sẽ đạt khoảng 2,239 tỷ tấn - mức cao kỷ lục thứ ba trong lịch sử thế giới. Và vì thế, cho dù giá lúa mì trên thị trường trong tháng 9 này đã tăng khoảng 60-80%, giá ngô tăng khoảng 40% so với hồi tháng 7, cũng không tác động lớn đến an ninh lương thực.

Hội nghị bất thường của FAO tại Rome được kêu gọi nhóm họp sau vụ nắng nóng, cháy rừng tràn lan ở Nga khiến Mátxcơva cấm xuất khẩu lúa mì nhằm bảo vệ việc cung cấp trong nước và các vụ bạo động diễn ra ở Mozambique xung quanh giá nhiên liệu, lương thực làm 13 người thiệt mạng, 400 người bị thương, 286 người bị bắt. Quyết định của Nga - một trong những nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất - đã đẩy giá lương thực khắp thế giới tăng khoảng 5%. Trong khi đó, giá bánh mì tăng ở 30 nước, trong đó có Mozambique, đã dẫn đến các vụ bạo động đẫm máu. Thực tế, hạn hán không chỉ xảy ra ở Nga mà còn ở Đông Âu, Australia; cộng với lũ lụt ở Pakistan, Nigeria, Ấn Độ và Trung Quốc cùng hàng loạt vụ việc khác liên quan đến thảm họa tự nhiên khiến giá lương thực biến động.

Đến nay, Nga vẫn phải giải quyết hậu quả của một mùa hè nắng nóng kỷ lục. Thực tế, biến động thị trường không phải là vấn đề mới. Trong suốt cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, giá cả lên đến đỉnh điểm: Giá gạo tăng hơn 200%, lúa mì và ngô tăng hơn 100%. Các nguyên nhân vẫn còn gây tranh cãi cho đến hôm nay, còn ảnh hưởng của nó thì các quốc gia từ Haiti đến Mogadishu phải gánh chịu bằng các vụ biểu tình và bạo lực. Song, theo phân tích của các chuyên gia, bối cảnh 2007-2008 khác bối cảnh hiện tại bởi lúc đó, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn.

Dẫu biết chỉ vỏn vẹn trong một ngày, Hội nghị không thể giải quyết hết mọi vấn đề nhưng những nội dung được bàn thảo như kiểm tra vai trò của thông tin thị trường, tính minh bạch của các vụ mùa… cho thấy LHQ rất chú trọng đến an ninh lương thực. Theo các chuyên gia, thế giới cần thực hiện cơ chế mới và các biện pháp khẩn cấp nhằm nâng cao tính minh bạch cũng như kiểm soát những rủi ro liên quan đến sự biến động tại các thị trường lương thực, như tình trạng đầu cơ, thiếu thông tin của các nước đang phát triển về nguồn cung và cầu lương thực toàn cầu.

Hiện vẫn còn 925 triệu người thiếu đói trong năm nay, so với 1,023 tỷ người trong năm 2009. 

VĨNH AN

 

;
.
.
.
.
.