.

Á - Âu tìm kiếm cơ hội hợp tác

.
Châu Âu nhìn nhận châu Á vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong quan hệ hợp tác, phát triển. Ngày 4-10, các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu đã bắt đầu hội nghị tại Brussels (Bỉ), tập trung vào vấn đề thương mại, cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Mô tả ảnh.
An ninh được thắt chặt bên ngoài nơi diễn ra Hội nghị ASEM. Ảnh: Reuters
Hội nghị bị bao phủ bởi căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hãng AFP cho rằng, căng thẳng Trung - Nhật xung quanh vụ va chạm tàu trên vùng đảo tranh chấp có thể làm thay đổi cục diện Hội nghị Á- Âu (ASEM). Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nếu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan gặp gỡ bên lề hội nghị thì sẽ tháo gỡ căng thẳng này. Hiện sự ủng hộ trong nước dành cho Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan giảm còn khoảng 50% do người dân không hài lòng với cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), hội nghị là cơ hội để khối gồm 27 thành viên này thắt chặt quan hệ với châu Á. Trong đó, EU sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tự do thương mại quan trọng với Hàn Quốc và hy vọng đây là bước tiến đầu tiên trong hàng loạt các thỏa thuận tương tự với các quốc gia châu Á. Giám đốc điều hành chương trình cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu Shada Islam nói rằng, không có thách thức quan trọng nào của châu Âu có thể được giải quyết thành công nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với châu Á. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng sẽ đề cập đến các ưu tiên của ông chuẩn bị cho Hội nghị G20 vào tháng tới, trong đó có việc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

Sau Hội nghị ASEM, cuộc gặp thượng đỉnh của EU với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 6-10. Song, theo AFP, cuộc gặp với Trung Quốc có thể tạo ra tranh cãi sau khi châu Âu và Mỹ cho rằng, Bắc Kinh kiềm giá trị đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho thương mại các nước khác. Trước đó, tại Athens (Hy Lạp), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cam kết với các nghị sĩ nước này rằng, ông sẽ thúc đẩy mối quan hệ EU - Trung Quốc và khẳng định “một châu Âu mạnh là không thể thay thế được”.

Các vấn đề kinh tế là trọng tâm của Hội nghị ASEM, vốn chiếm 60% dân số thế giới và thương mại toàn cầu. ASEM, với lịch trình nhóm họp 2 năm/lần, bao gồm EU, 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Mông Cổ, cùng các thành viên mới: Australia, New Zealand và Nga. 

Hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước châu Âu và châu Á đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Các số liệu của EU cho thấy, giao dịch hàng hóa từ năm 2000-2008 giữa 18 nước châu Á thuộc ASEM với Nga tăng gần gấp đôi, tăng từ 74,8 tỷ USD lên 142,5 tỷ USD. Mặc dù khủng hoảng tài chính tác động đáng kể đến thương mại giữa EU với các đối tác thuộc ASEM, cụ thể là tổng nhập khẩu và xuất khẩu giảm 20% trong năm 2009, nhưng lại có sự tăng trưởng mới trong năm nay. Nửa đầu năm 2009, các đối tác thuộc ASEM chiếm 29% xuất khẩu và 45% nhập khẩu của EU. Liên minh này cũng trở thành thị trường hàng đầu đối với nhiều nước châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc.    

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.