Cảnh sát đã phải dùng hơi gas để trấn áp việc các học sinh trung học ném đá và đốt ô-tô trong những cuộc biểu tình quy mô lớn toàn quốc nhằm phản đối luật hưu trí của Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 tuổi.
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris. Ảnh: AP |
Sáng 19-10, hàng trăm thanh niên đã tụ tập ở một trường học đóng cửa tại Nanterre, ngoại ô Paris. Từ trên cầu, họ bắt đầu ném đá vào cảnh sát khiến lực lượng an ninh phải tạo thành hàng rào phong tỏa khu vực này. Các chuyến bay đi và đến nước Pháp đã bị hoãn. Các quan chức sân bay Paris tuyên bố trên trang web của mình rằng, cuộc đình công đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho sân bay và giao thông hàng không. Cơ quan Hàng không dân sự DGAC cho hay, 1/2 các chuyến bay trong ngày 19-10 cất cánh từ sân bay Orly (Paris) đã bị hoãn; đồng thời 30% các chuyến bay cất cánh ở các sân bay khác, bao gồm sân bay lớn nhất Charles de Gaulle, cũng không thể thực hiện được. Song, theo các quan chức, các chuyến bay sẽ được nối lại vào hôm nay (20-10).
Trên khắp nước Pháp, 379 trường học đã phải đóng cửa. Các nhà chức trách ước tính có 200 cuộc biểu tình diễn ra trong ngày 19-10 (giờ địa phương) trên cả nước với hàng triệu người tham gia. Đây là ngày thứ sáu nước Pháp trải qua cuộc đình công toàn quốc xung quanh vấn đề cải cách hưu trí nhằm gây áp lực với Chính phủ. Lý do chính để người dân xuống đường là cải cách hưu trí sẽ kéo dài thời gian đóng góp cho xã hội để nhận được trợ cấp toàn phần khi nghỉ hưu. Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy khẳng định cải cách là biện pháp duy nhất để cứu hệ thống hưu trí của Pháp.
Tổng thống Pháp đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Đức và Nga với các cuộc đối thoại ở Deauville cho biết, ông sẽ không nhượng bộ. Phát biểu với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Sarkozy nói rằng, cải cách là vấn đề thiết yếu và Pháp cam kết sẽ thực hiện được điều này như Đức đã làm. Ông Sarkozy cũng hy vọng Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này. Năm 2007, Đức đã bỏ phiếu thông qua việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 63 tuổi vào năm 2029 và nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có các kế hoạch tương tự.
Trước đó, các nghiệp đoàn đã thông báo gia tăng việc phong tỏa các nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu. Điều này khiến không những Chính phủ mà cả người dân Pháp lo lắng. Biểu tình diễn ra trong lúc các quốc gia khác ở châu Âu cắt giảm chi tiêu và gia tăng thuế nhằm đối phó với những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và nợ công từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất lịch sử trong 70 năm. Người phát ngôn Đảng Xã hội Benoit Hamon cho rằng, những hành động chống đối Chính phủ vào ngày 19-10 là sự thử thách sức mạnh.
Các cuộc thăm dò cho thấy, đại đa số người Pháp không hài lòng với kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu và lo lắng rằng họ sẽ bị đối xử không công bằng với hệ thống an sinh xã hội.
PHÚC NGUYÊN