.

Biểu tình ở Pháp: Sarkozy “rớt giá”

.
Biểu tình ở Pháp vẫn tiếp tục và dự kiến ngày 6-11 sẽ là ngày “tổng biểu tình” nhằm chống lại việc chính quyền Nicolas Sarkozy sắp sửa thông qua cải cách lương hưu. Cuộc biểu tình kéo dài dẫn đến bạo động và phong tỏa nhiều nơi đã làm cho nền kinh tế Pháp thiệt hại nghiêm trọng mà theo lời của Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde, mỗi ngày thiệt hại từ 200 triệu tới 400 triệu euro. Tổng thiệt hại đã lên đến 3 tỷ euro càng làm cho quá trình hồi phục kinh tế sau khủng hoảng thêm khó khăn hơn, nhưng mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Tổng thống Sarkozy tự tin vẫn theo đuổi chính sách của mình… ...Dù các cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước.
 
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy Tổng thống Nicolas Sarkozy là Tổng thống Pháp ít được tin tưởng nhất suốt 5 thập niên qua. Tệ hơn cả Tổng thống Charles de Gaulle vào năm 1968 khi có hàng triệu người xuống đường biểu tình yêu cầu xem xét lại toàn diện tình hình xã hội Pháp. Kết quả thăm dò của BVA Orange L’Express cho thấy 71% người dân không hài lòng với các chính sách của chính quyền Sarkozy. Kết quả thăm dò của tờ báo Journal du Dimanche cho biết tỷ lệ ủng hộ Sarkozy chỉ còn 29%, tức là thấp nhất kể từ khi ông lên cầm quyền tháng 5-2007. Tờ Newsweek viết rằng De Gaulle làm cho nước Pháp hiện đại và uy quyền, Mitterrand tạo cho nước Pháp có tiếng nói trọng lượng tại châu lục, và Sarkozy chỉ là một chính trị gia trong một đất nước thiếu một chính trị gia có tài.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng nguyên nhân uy tín của Tổng thống Sarkozy liên tục bị hạ thấp vì những sai lầm từ cuộc sống đời tư, gia đình và quyết sách của đất nước. Đầu tiên là quyết định kết hôn (lần hai) với cựu người mẫu Ý Carla Bruni hồi năm 2008. Tiếp theo là mùa hè vừa qua ra lệnh trục xuất những nhóm dân tộc thiểu số. Nhưng chủ yếu là do chính sách kinh tế vĩ mô có quá nhiều sai sót. Sarkozy không giữ được bên mình những người thân cận như Rachida Dati, cựu cố vấn tranh cử và Bộ trưởng Tư pháp. Ông có mối quan hệ rất xấu với cựu Thủ tướng Villepin. Rồi ông ưu ái con trai ruột những công việc tốt nhưng phải rút lui vì bị chỉ trích.

Người dân Pháp đặt câu hỏi năm 1969, Charles de Gaulle đã từ chức vì không chịu nổi sức ép. Vậy thì đến bây giờ, Sarkozy sẽ làm điều tương tự. Bất chấp cuộc biểu tình kéo dài, Sarkozy tuyên bố không rút lại kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 và tuổi nhận lương hưu Nhà nước từ 65 lên 67, đồng thời thực hiện nhiều cải cách kinh tế nữa sau khi có những cuộc thảo luận liên tục với Thủ tướng Fillon.
 
Sarkozy có lý do nữa để tin rằng chính quyền của ông sẽ giành thắng lợi trong cuộc đối đầu dai dẳng với các tổ chức Công đoàn vì từ năm 1995 đến nay chưa bao giờ các cuộc biểu tình đem lại kết quả như ý. Francois Chereque, Tổng Thư ký của tổ chức Công đoàn lớn thứ nhì nước Pháp CFDT bảo rằng ông đã làm theo yêu cầu của công nhân hãy tiếp tục đấu tranh vì tương lai. Không chỉ có công nhân, lực lượng học sinh - sinh viên hùng hậu của cả nước cũng đã tham gia.

ANH THƯ
;
.
.
.
.
.