.

Campuchia - Thái Lan tranh cãi về âm mưu ám sát

.
Thái Lan cho rằng, âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo nước này có liên quan đến quốc gia láng giềng Campuchia. Ngày 12-10, Campuchia đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Thái Lan rằng, các thành viên của phong trào áo đỏ chống Chính phủ ở đất nước này đã được huấn luyện trên lãnh thổ Campuchia nhằm ám sát các lãnh đạo của Thái, trong đó có Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Mô tả ảnh.
Phe áo đỏ biểu tình trước một nhà tù ở Bangkok, nơi các thủ lĩnh của họ bị giam giữ.  Ảnh: AFP
 
Một ngày trước đó, Trung tá Payao Thongsen - quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Điều tra đặc biệt của Thái Lan (DSI) - cho biết 11 người đàn ông bị bắt giữ vào tuần trước ở tỉnh Chiang Mai nằm trong số 39 người được đào tạo về tư tưởng và chiến đấu ở “quốc gia láng giềng”. Theo DSI, những người này đã rời khỏi Thái Lan sau cuộc trấn áp của quân đội với phe biểu tình chống Chính phủ vào tháng 5 vừa qua. Ông Payao không đề cập đến tên quốc gia - nơi huấn luyện các thành viên của áo đỏ, nhưng mô tả con đường mà những người này rời Thái Lan chính là đường dẫn đến biên giới Campuchia.

Theo Trung tá Payao, 39 người được huấn luyện là một phần của âm mưu lật đổ nền quân chủ Thái Lan. Đây là cáo buộc mà cơ quan của ông đã từng đưa ra để chống lại phe áo đỏ và những người ủng hộ lực lượng này.

Khoảng 50 người biểu tình áo đỏ sáng 12-10 đã tập trung trước nhà tù ở Bangkok, yêu cầu phóng thích các thủ lĩnh và thành viên của họ, những người bị bắt giữ sau cuộc biểu tình đẫm máu hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Trong khi đó, bản tin đăng tải trên trang web kênh truyền hình MCOT của Nhà nước Thái Lan dẫn lời Trung tá Payao nhấn mạnh: 3 tuần huấn luyện các nghi phạm khủng bố được tổ chức tại căn cứ quân sự ở tỉnh Siem Reap của Campuchia, gần biên giới Thái Lan. Theo Payao, những người đàn ông đã được đào tạo sử dụng hầu hết các loại vũ khí, bao gồm súng trường, súng phóng lựu và thuốc nổ. Tuy nhiên, ông không giải thích vì sao Campuchia lại liên quan đến một âm mưu như thế.

MCOT còn dẫn lời Payao nói rằng, các mục tiêu của âm mưu ám sát bao gồm: Thủ tướng Abhisit Vejjajiva; Phó Thủ tướng mới từ chức Suthep Thaugsuban; Newin Chidchob - chính trị gia có nhiều ảnh hưởng, người ủng hộ Chính phủ của ông Abhisit; và một quan chức cảnh sát cấp cao. Payao cũng công bố những gì mà ông gọi là bằng chứng về âm mưu ám sát này, trong đó có các bản đồ và những bức ảnh. Trong khi MCOT đưa tin: Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh áo đỏ và là thành viên của Quốc hội, đã phủ nhận phong trào này có liên quan đến âm mưu ám sát.

Campuchia bác bỏ cáo buộc trên. Người phát ngôn của Chính phủ Campuchia Khieu Kanharith khẳng định quốc gia này hoàn toàn không nhận được lợi ích gì từ việc huấn luyện. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho hay, Thái Lan thường quy trách nhiệm cho Campuchia khi không giải quyết được những vấn đề trong nước.

Theo Reuters, các cáo buộc của Thái Lan đe dọa sẽ nhen nhóm căng thẳng giữa 2 nước ở khu vực Đông Nam Á, khi mối quan hệ vốn bị suy giảm xung quanh vấn đề tranh chấp biên giới. Quan hệ của 2 nước căng thẳng từ tháng 11 năm ngoái sau khi Campuchia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra làm cố vấn kinh tế. Ông Thaksin bị nghi ngờ cung cấp tài chính cho phong trào áo đỏ. Song, quan hệ giữa 2 nước láng giềng đã bình thường hóa khi ông Thaksin từ chức cố vấn kinh tế vào tháng 8-2010, mặc dù các quan chức Thái Lan vẫn tiếp tục bày tỏ lo ngại về liên hệ giữa Chính phủ Campuchia với phe áo đỏ.

Tuyên bố của DSI đưa ra trong lúc Thái Lan đang thắt chặt an ninh sau hàng loạt vụ đánh bom ở thủ đô vào tuần qua. Một vụ nổ với 4 người thiệt mạng vào ngày 4-10 ở ngoại ô Bangkok làm gia tăng những quan ngại về khả năng nổi dậy của những người biểu tình chống Chính phủ ở nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.