.

Châu Á tập trung vào năng lượng mặt trời

.
Năng lượng mặt trời chiếm chưa tới ¼ nhu cầu điện của người dân châu Á nhưng nó lại mang ý nghĩa rất lớn với những vùng quê nghèo chưa từng biết đến điện.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Đã có điện để sinh hoạt từ năng lượng mặt trời. Tấm lợp năng lượng vừa được lắp đặt ở một gia đình nông dân Ấn Độ.
Trong khoảng một năm trở lại đây, các nước đang phát triển ở châu Á bắt đầu chú ý vào phát triển năng lượng mặt trời. Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã đi tiên phong khi phê duyệt dự án năng lượng mặt trời quốc gia bởi vì có đến 40% dân số nước này không có điện. Từ dự án tầm quốc gia này, hai công ty chuyên về năng lượng mặt trời như Selco và Orb đã giúp hàng chục nghìn gia đình và các doanh nghiệp nhỏ mua tấm pin mặt trời.
 
Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bắt đầu chiến dịch nhằm phát triển nguồn năng lượng mặt trời ở châu lục này. Bangladesh với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới có mục tiêu đến cuối năm 2012 sẽ có một triệu gia đình ở các vùng nông thôn hẻo lánh sử dụng điện bằng các tấm pin năng lượng mặt trời. Những tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà đủ cung cấp điện cho vài tiếng đồng hồ đã đủ đem lại sự khác biệt: thêm thời gian học tập cho trẻ con và thêm thời gian sản xuất, buôn bán.

Ông Seethapathy Chander, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề về năng lượng của ADB tại Manila cho biết: Các chi phí trả trước để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, cộng với chi phí đi vay cao dẫn đến thực tế là các nước đang phát triển khó tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn đã làm cho quá trình phát triển năng lượng mặt trời không đúng kế hoạch. Phải mất một thời gian dài để đầu tư trước khi thu lại lợi nhuận nên cần có nguồn vốn lớn chờ đến lúc hệ thống năng lượng đi vào hoạt động.

Tấm lợp năng lượng mặt trời có thể thay thế dầu lửa - vốn tạo ra ánh sáng kém, tiêu hao nguồn tài nguyên quốc gia và sinh ra khói gây ô nhiễm môi trường. Ở Ấn Độ, dùng dầu hoặc nến phải mất tới 210 rupee/ tháng. Dùng tấm lợp năng lượng là cách đầu tư một lần, được vay vốn. Theo một thành viên trong Công ty Năng lượng Orb thành lập năm 2006 thì trị giá một tấm năng lượng mặt trời vào khoảng 20% thu nhập hằng năm của người nghèo. Nó cũng giống như ở phương Tây mua một chiếc ô-tô!

Các ngân hàng từ lâu không muốn cho người nghèo vay tiền, nhưng dự án năng lượng mặt trời đã làm các ngân hàng thay đổi khi cho người nghèo vay và trả theo tháng, ngang bằng với số tiền mà họ đã dùng để mua dầu lửa và nến trước đây. Những trang trại năng lượng mặt trời đủ sức đưa điện lên hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Nhiều nơi ở châu Á có thời gian nắng gần 3-4 lần so với châu Âu nên phát triển năng lượng mặt trời rất hiệu quả. Chính quyền nhiều nước cũng đã được thuyết phục vì chi phí đầu tư thấp hơn các loại hình khác, đồng thời đó là nguồn năng lượng xanh. Nhờ công nghệ ngày càng phát triển nên các tấm năng lượng mặt trời có giá thành rẻ hơn, song tốt hơn.
 
ADB dự kiến tới năm 2013 sẽ phát triển được 500 megawatt (1 megawatt đủ cung cấp cho nhu cầu của 200 hộ gia đình với 1 nghìn nhân khẩu ở các nước đang phát triển ở châu Á). Ấn Độ dự kiến phát triển tới 20 nghìn megawatt từ các tấm năng lượng mặt trời vào năm 2022. Chính phủ Ấn Độ bước đầu bỏ ra 20 tỷ USD và hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực này.

ANH THƯ
;
.
.
.
.
.