.

Chính phủ Afghanistan và Taliban đối thoại

.
Hôm nay (7-10), cuộc chiến tại Afghanistan bước qua năm thứ 10 trong lúc còn quá nhiều ngổn ngang, xung đột cần được giải quyết. Các đại diện của Taliban và Chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai đã bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao bí mật nhằm thương lượng kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan.

Mô tả ảnh.
Các chiến binh Taliban tuần tra tại tỉnh Ghazni của Afghanistan. Ảnh: AFP
Báo Washington Post dẫn các nguồn tin của Afghanistan và Arab cho biết, việc đàm phán diễn ra sau các cuộc gặp do Saudi Arabia chủ trì vào năm ngoái. Theo báo này, đây là lần đầu tiên giới quan sát tin rằng, đại diện của Taliban đã được ủy quyền để thay mặt cho Quetta Shura - tổ chức Taliban ở Afghanistan nhưng có căn cứ tại Pakistan và thủ lĩnh Mohammad Omar. Tuy nhiên, Waheed Omer - người phát ngôn của Tổng thống Karzai - từ chối xác nhận hoặc bác bỏ thông tin này. Ông Omer chỉ nói rằng, trước đây Chính phủ Afghanistan và Taliban cũng đã có các cuộc đối thoại và hiện có thể đang diễn ra đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đây chỉ là liên hệ thường lệ giữa hai bên trong hơn 2 năm qua.

Theo báo Washington Post, các đại diện của thủ lĩnh Omar nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán thật sự sẽ không thể diễn ra cho đến khi quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan. Song, báo này lại cho hay, tổ chức Quetta Shura bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận mở rộng bao gồm sự tham gia của một số nhân vật Taliban trong Chính phủ Afghanistan và lịch trình rút quân của lực lượng Mỹ cùng với NATO. Quetta Shura vẫn còn tồn tại sau khi Chính phủ Taliban ở Afghanistan bị lật đổ. Sau đó, tổ chức này đã xâm nhập vào Pakistan kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh nhằm vào Afghanistan năm 2001.

Báo Washington Post dẫn một số nguồn tin nói rằng, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Kabul với Taliban không liên quan đến mạng lưới Haqqani - mục tiêu tấn công của Mỹ tại phía Tây Bắc Pakistan. Mạng lưới Haqqani đóng chủ yếu tại Bắc Waziristan ở Pakistan và các tỉnh lân cận tại Afghanistan.

Trong năm nay, Tổng thống Hamid Karzai đã nỗ lực để thúc đẩy việc Taliban có thể ngồi vào bàn đàm phán và sẵn sàng hòa giải với Chính phủ Kabul, từ bỏ bạo lực và chấp nhận Hiến pháp mới. Bạo lực luôn là nỗi ám ảnh không những với các quan chức, người dân mà còn với cả các binh sĩ nước ngoài đang hiện diện tại chiến trường Nam Á này. Tuần trước, ông Karzai đã thành lập một Hội đồng hòa bình gồm 70 thành viên để thúc đẩy đàm phán. Tướng David Petraeus, tư lệnh hàng đầu của Mỹ và Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế do NATO dẫn đầu (ISAF) tại Afghanistan khẳng định ông biết việc liên hệ giữa Chính phủ Kabul và Taliban. Song, theo vị tướng này, sẽ vội vã để nói rằng Taliban sẵn sàng chấp nhận hòa giải. 

Ít nhất 22 xe chở dầu của NATO đã bốc cháy sau khi bị các tay súng nghi là phiến quân Taliban tấn công vào sáng 6-10 tại khu vực gần thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan. Trước đó, Taliban đã đe dọa sẽ tiến hành thêm nhiều vụ tấn công vào các xe hậu cần của NATO nếu không chấm dứt các cuộc không kích nhằm vào Pakistan.
Trong khi đó, ngày 6-10, Tổng thống Karzai đã chỉ trích “những kẻ thù của Afghanistan” sau hàng loạt vụ tấn công bằng bom trên đường phố ở thành phố Kandahar khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, và 30 người khác bị thương. Theo ông, đây là hoạt động của lực lượng nổi dậy chống lại các hoạt động của liên quân do NATO dẫn đầu. Các vụ đánh bom đã nhằm vào xe cảnh sát tại một giao lộ vào đêm 5-10.

Đã 9 năm trôi qua kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến vào năm 2001, người dân Afghanistan đã mệt mỏi vì bạo lực và tức giận với sự có mặt của binh sĩ nước ngoài. Nhiều người hoài nghi về việc chất lượng cuộc sống vẫn không được cải thiện trong khi Afghanistan nhận hàng tỷ USD viện trợ của nước ngoài. Sự ủng hộ dành cho cuộc chiến tại Mỹ và cả các nước phương Tây đều sụt giảm. Hà Lan đã rút quân về nước, tiếp đến sẽ là Canada.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.