.

G20 và tỷ giá tiền tệ

.

Cuộc họp của các lãnh đạo tài chính G20 là cơ hội cuối cùng để xoa dịu những lo lắng về vấn đề tiền tệ trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm này vào tháng tới ở Seoul (Hàn Quốc).

Mô tả ảnh.
Mỹ cho rằng, đồng Nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với đồng đô-la tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.  (Ảnh: AFP)

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước giàu và các nước mới nổi (G20) diễn ra ở thành phố Gyeongju của Hàn Quốc vào ngày 22 và 23-10 là dịp để tháo gỡ căng thẳng tiền tệ quốc tế. Sự kiện này diễn ra trong lúc những tranh cãi về tỷ giá tiền tệ đang phủ bóng đen xuống việc cải cách nền kinh tế thế giới.

Ngày 21-10, các Thứ trưởng Tài chính đã nhóm họp trước thềm hội nghị. Hai tuần trước đó, các thành viên của G20 đã thất bại trong cuộc họp tại Washington (Mỹ) nhằm giải quyết những khác biệt dẫn đến lo ngại rằng, thế giới có thể rơi vào chiến tranh tiền tệ và tạo ra một cuộc suy thoái khác. Theo hãng tin AP, các nước đã phá giá đồng tiền để đạt được lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ 2 năm trước.

AP dẫn lời ông David Cohen - Giám đốc dự báo châu Á của công ty Action Economics tại Singapore - cho rằng, cuộc họp tài chính ở Gyeongju là một phép thử thật sự đối với G20 và sẽ có nhiều áp lực với nhóm này. Tuần trước, Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak cảnh báo: Không giải quyết được vấn đề tiền tệ sẽ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang đối mặt với áp lực nâng tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT). Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều cho rằng, việc kiềm giá đồng NDT khiến hàng xuất khẩu cạnh tranh không công bằng. Các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc định giá thấp NDT một cách giả tạo để tạo lợi thế cho các công ty của mình. Ngược lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ. Tranh cãi xung quanh việc đồng NDT được định giá thấp đe dọa sẽ phủ bóng xuống chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 11 và 12-11 tới mặc dù đầu tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh đã nâng giá trị đồng NDT tăng 2,5% so với đồng đô-la.

Một số chính phủ đã nỗ lực ngăn chặn việc định giá tiền tệ bằng các biện pháp, bao gồm can thiệp trực tiếp vào thị trường hoặc áp đặt kiểm soát về vốn, thuế đối với đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda bày tỏ hy vọng rằng, G20 có thể đạt được một giải pháp về vấn đề tranh chấp tiền tệ. Nhật Bản cũng đang vấp phải việc đồng tiền yen tăng giá đe dọa làm chệch hướng phục hồi kinh tế của quốc gia châu Á này. Trong khi đó, phát biểu với báo Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho hay, một phần của vấn đề hiện tại là không thiết lập sự công bằng trong bối cảnh đa tiền tệ. Cam kết sẽ thúc đẩy G20 cân bằng lại nền kinh tế toàn cầu, ông Geithner bác bỏ khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng nhưng thừa nhận sự cần thiết của quy tắc điều chỉnh chính sách tỷ giá.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.