.

Kinh tế Đông Á tăng trưởng nhanh

Ngày 19-10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã gia tăng dự đoán tăng trưởng đối với các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á nhưng cho rằng, các chính phủ cần kiểm soát rủi ro do các dòng vốn chảy vào lớn và đồng tiền tăng giá.

Hãng AP dẫn báo cáo của WB lưu ý rằng, đầu ra phục hồi đã trên mức tiền khủng hoảng ở các quốc gia Đông Á đang phát triển và ở gần mức tiền khủng hoảng ở một số các quốc gia. Tăng trưởng GDP thực tế có thể lên 8,9% trong năm 2010 (năm ngoái, con số này là 7,3%). Đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân một lần nữa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, niềm tin gia tăng và lưu lượng thương mại trở lại mức tiền khủng hoảng.
 
Theo báo cáo, “sự phục hồi kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương mạnh mẽ, nhưng vấn đề tập trung lúc này là chuyển hướng đối phó với nguy cơ rủi ro có thể tạo ra thách thức cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô”. Ông Vikram Nehru - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương - cho rằng nếu các dòng vốn chảy vào vẫn duy trì mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu, các cơ quan quản lý sẽ đối mặt với các thách thức giữa việc cân bằng dòng vốn chảy vào lớn với sự đảm bảo tính cạnh tranh, ổn định tài chính và lạm phát thấp.

Báo cáo của WB nhấn mạnh: Việc cân bằng kinh tế bằng cách thay đổi mô hình tăng trưởng và đầu tư đang trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định. Các nước xuất khẩu hàng thô như Mông Cổ, Đông Timor, Papua New Ginue và Lào phải đảm bảo cơ cấu minh bạch để sử dụng nguồn thu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển. Các nước có thu nhập trung bình trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, cần phải tăng sự đầu tư về vật chất và nguồn nhân lực và khuyến khích sự sáng tạo nếu muốn đạt được vị trí là quốc gia có thu nhập cao.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.