.

Nhật Bản đi tìm nguồn đất hiếm

.
Theo hãng thông tấn AFP, Ấn Độ đã đồng ý cung cấp nguồn đất hiếm đều đặn cho Nhật Bản trong lúc nền kinh tế kỹ thuật cao này muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp sau căng thẳng với nhà cung cấp then chốt là Trung Quốc. Chứng minh cho những thông tin này, hãng tin AFP đã dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Akihiro Ohata phát biểu trong cuộc họp báo khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang thực hiện chuyến công du Nhật Bản ba ngày. Ông Akihiro Ohata cho biết: “Thủ tướng Singh nói với chúng tôi rằng, ông sẽ hợp tác cung cấp dài hạn nguồn đất hiếm”.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Ấn Độ Singh (trái) cùng Thủ tướng Nhật Naoto Kan trong chuyến công du Nhật Bản.
Hôm 25-10, ông Singh gặp Thủ tướng Nhật Naoto Kan, ông Ohata và các quan chức khác của Nhật Bản, và đồng ý hợp tác rộng rãi trong các hợp đồng mua bán đất hiếm. Trong một công văn, hai vị Thủ tướng “quyết định khảo sát khả năng hợp tác song phương và phát triển, tái chế và tái sử dụng đất hiếm và các loại kim loại hiếm, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp liên quan”. Trước đó, ông Ohata có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại của Trung Quốc ở Tokyo và kêu gọi Bắc Kinh bình thường hóa lượng xuất khẩu đất hiếm sau khi Nhật Bản nói các chuyến hàng bị phong tỏa trong mâu thuẫn ngoại giao nổ ra sau vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Theo giới chức Nhật Bản, nguồn dự trữ đất hiếm của Nhật Bản dùng để sản xuất các loại hàng kỹ thuật cao có thể cạn vào tháng ba hay tháng tư năm tới nếu không có đợt nhập khẩu mới từ Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc kiểm soát trên 95% lượng đất hiếm trên thị trường toàn cầu, và nước này cũng liên tiếp phủ nhận tin cho rằng đã giảm xuất khẩu để trả đũa trong vụ tranh chấp, nhưng tất cả 31 công ty Nhật Bản mua bán loại đất này đều báo tin các lô hàng bị đình trệ. Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara cho biết, ông muốn nêu vấn đề này khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh 16 nước châu Á vào cuối tuần này.

Không chỉ với Ấn Độ, Nhật Bản cũng đang có những nỗ lực  trong việc hợp tác khai thác các kim loại, đất hiếm tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông  Hideyuki Wakutsu, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Nhật Bản nói với hãng thông tấn AP “Phụ thuộc vào một quốc gia cho nguyên liệu quan trọng là điều quá rủi ro”.

Mô tả ảnh.
Trung Quốc kiểm soát hơn 95% lượng đất hiếm trên thị trường toàn cầu.
Hiện, Trung Quốc đã ngưng chuyển đất hiếm đến Nhật Bản từ ngày 21-9 để trả đũa việc Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư. Người thuyền trưởng đã được trả tự do và Bắc Kinh nói không hề có lệnh cấm chuyển hàng chính thức sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo cho biết nguồn cung cấp vẫn chưa được nối lại. Sự gián đoạn này đã gây chấn động ngành công nghiệp Nhật Bản, và buộc họ phải tìm kiếm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc, và xem xét việc trở thành một trung tâm tái chế đất hiếm.

Hôm thứ tư, các quan chức thương mại Mỹ cho biết họ đang xem xét một điều tra của tờ báo New York Times rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các lô hàng đất hiếm vào Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ một tường thuật của chính báo China Daily là Bộ sẽ cắt giảm 30% quota vào năm tới để ngăn chặn khai thác quá mức. 

Đất hiếm rất quan trọng trong sản xuất công nghệ cao như ổ đĩa máy tính, điện thoại di động và các phụ tùng cho ô-tô. Theo các nhà phân tích, không có những kim loại này, nhiều nền kinh tế hiện đại sẽ không vận hành được.

GIA HUY
;
.
.
.
.
.