.

Nobel Hòa bình 2010: Lựa chọn an toàn?

.

Kristian Berg Harpviken - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) - xem nhà hoạt động nữ quyền Afghanistan Sima Samar là ứng viên hàng đầu của giải Nobel Hòa bình 2010 trong số 237 ứng viên. Giải thưởng sẽ được công bố vào hôm nay (8-10).

Mô tả ảnh.
Bà Sima Samar, một trong những ứng viên hàng đầu giải Nobel Hòa bình. (Ảnh: CCM)

Một năm sau khi Ủy ban Nobel Na Uy khiến thế giới ngạc nhiên khi lựa chọn Tổng thống Mỹ Barack Obama là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2009, mọi dự đoán đang nóng lên trước thềm công bố giải thưởng của năm nay. Song, hãng tin Reuters dẫn lời các nhà quan sát giải nhận định: Ủy ban Nobel có xu hướng lựa chọn an toàn hơn để tránh những ý kiến rằng, Nobel Hòa bình chỉ mang tính chính trị, chứ không theo những nguyên tắc đạo đức. Giám đốc PRIO Harpviken cho rằng, sẽ nghiêng về hướng lựa chọn truyền thống, nghĩa là các nhân vật kiến tạo hòa bình hoặc những nhà hoạt động nhân quyền.

Có 237 ứng viên tranh giải, so với 205 người của năm 2009. Các ứng viên hàng đầu bao gồm những cá nhân và tổ chức: Bác sĩ - nhà hoạt động nữ quyền Afghanistan Sima Samar, nhà văn - nhà hoạt động người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, các nhà hoạt động nhân quyền của Nga, Tổ chức truyền thông dân chủ của Myanmar, Ủy ban hòa giải và sự thật của Sierra Leone…

Ông Harpviken cho biết, ông xem bà Samar là ứng viên hàng đầu bởi từ sau giải Nobel Hòa bình năm 2003 dành cho nhà hoạt động nhân quyền người Iran Shirin Ebadi đến nay, chưa có phụ nữ nào là chủ nhân tiếp theo của giải thưởng cao quý này. Bà Samar là Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của Afghanistan và dẫn đầu các nỗ lực về nhân quyền ở Sudan. Hơn nữa, nếu Nobel Hòa bình 2010 được trao cho Samar sẽ tạo ra bước chuyển biến ở Afghanistan khi quyền của phụ nữ tại quốc gia Nam Á này đang bị Taliban đe dọa. Theo ông Harpviken, Ủy ban Nobel cần ủng hộ thúc đẩy bước tiến mạnh mẽ ở Afghanistan và với cả thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, Reuters cũng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, giải thưởng dành cho bà Samar sẽ là lựa chọn an toàn hơn cả.

Một lý do khác cũng được các nhà quan sát đưa ra: Các nam chính khách phương Tây không thật sự nổi bật để trở thành chủ nhân của giải thưởng năm nay. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng là một ứng viên sáng giá, nhưng vai trò của ông trong việc kiến tạo hòa bình Trung Đông, nhất là thời gian gần đây, thật mờ nhạt. Sự lựa chọn cũng sẽ không nhằm vào ông Bill Clinton bởi năm ngoái, giải thưởng đã thuộc về đương kim Tổng thống Mỹ thì không thể được trao tiếp cho một cựu Tổng thống của đất nước này. Trong danh sách đề cử còn có cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl. Vị chính khách 81 tuổi từng lãnh đạo Đức từ năm 1982-1998 là một trong những “kiến trúc sư” chính của sự kiện thống nhất nước Đức vào năm 1990. Ông đã nhiều lần được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.

Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã bất ngờ đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình với các nỗ lực của ông trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của trái đất và ủng hộ ngoại giao đa phương. Dư luận đã cho rằng, còn quá sớm để tưởng thưởng Tổng thống Obama bởi ông chưa đạt được thành tựu đột phá nào khi mới lên nắm quyền vào tháng 1-2009, chỉ 2 tuần trước khi Ủy ban Nobel gút danh sách ứng viên.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.