Các ngân hàng trung ương trên thế giới và Bộ trưởng Tài chính các nước rời Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington (Mỹ) cuối tuần trước mà không đạt được hiệp định về các vấn đề cấp bách cho nền kinh tế toàn cầu. Đằng sau sự thất bại đó còn là mối đe dọa cho nền dân chủ và hòa bình quốc tế. Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn nói với các Bộ trưởng Tài chính các nước và chủ ngân hàng rằng sự thất bại trong việc hợp tác sẽ đe dọa tính ổn định toàn cầu.
Ông Strauss – Kahn đưa ra cảnh báo tại Washington. | Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi các bên hãy nghĩ về lợi ích chung nhiều hơn. |
Strauss-Kahn nỗ lực thuyết phục Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác cố gắng hợp tác với nhau. Ông nói rằng “Trong giai đoạn khủng hoảng này, nền kinh tế toàn cầu đã làm 30 triệu người mất việc làm. Trong những thập niên tới đây sẽ có đến 450 triệu người tham gia thị trường lao động nên sẽ phải đối mặt đánh mất cả một thế hệ. Khi bạn mất việc làm, sức khỏe của bạn cũng bị suy sụp. Khi bạn mất việc làm, chuyện học hành của con bạn cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi bạn mất việc làm, ổn định xã hội cũng bị đe dọa về tính dân chủ và cả hòa bình nữa”.
Với cuộc thảo luận “cuộc chiến tiền tệ” nóng lên, IMF đã thất bại trong việc tiến tới sự thỏa thuận cơ bản nhất về tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng đôla của Mỹ. Bất chấp sự kêu gọi của Mỹ về việc nâng giá đồng nhân dân tệ để giúp các nhà xuất khẩu Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Zhou Xiaochuan cho biết là chưa sẵn sàng để đối phó với “thảm họa” cho quá trình đẩy giá đồng nhân dân tệ trở lên bởi vì chính sách tỷ giá của Trung Quốc dựa trên cung và cầu của thị trường, đồng thời có liên hệ tới điểm cân bằng. Trung Quốc sẽ làm từ từ chứ không tạo ra cú sốc! Ông Zhou còn nói thêm rằng trong khi các nước phương Tây hy vọng Trung Quốc có những thay đổi mạnh thì các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang làm việc một cách cẩn thận. Hạ viện Mỹ đã thông qua luật cho phép các công ty có thể áp đặt thuế nhập khẩu.
Chính vì Hội nghị thường niên của IMF thất bại nên nhiều người hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul - Hàn Quốc trong tháng tới (11-12 tháng 11). Nhiều chuyên gia dự đoán dù có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhưng tình hình căng thẳng khó mà tháo gỡ được. Cái gọi là “sự mất cân bằng toàn cầu” đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề trong ¾ thế kỷ qua vì thế chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak kêu gọi từng thành viên đừng theo đuổi lợi ích của từng quốc gia mà đưa cuộc chiến trở nên tồi tệ hơn. Ông Lee nhận định nếu không tìm được giải pháp về chính sách ngoại hối nhưng lại quá lo chăm sóc cho lợi ích của từng quốc gia thì khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sẽ lập tức đối diện với nhiều khó khăn, trong đó căng nhất là tình trạng bảo hộ thương mại.
Bộ trưởng Tài chính của 20 quốc gia thuộc G20 sẽ họp bàn về cuộc chiến tiền tệ trong hai ngày 22-23 tháng 10 nhằm chuẩn bị cho hội nghị vào tháng 11. Ông Lee kêu gọi một giải pháp “mọi người cùng có lợi” (nhưng rõ ràng phải chịu sự tiết giảm) và hy vọng có nhiều vấn đề đạt được thỏa thuận ngay trước khi hội nghị bắt đầu. Hội nghị Seoul là hội nghị thượng đỉnh lần thứ năm của G20 và là lần đầu tiên được tổ chức tại một nước không thuộc G7. G20 là tổ chức gồm các nền kinh tế chiếm đến 85% GDP toàn cầu nên hội nghị được đánh giá là rất quan trọng cho quá trình hồi phục của kinh tế thế giới.
ANH THƯ