.

Thế giới tuần qua: An toàn hầm mỏ

.
Vụ giải cứu thành công 33 thợ mỏ ở mỏ khai thác vàng và đồng San Jose, thành phố Copiapo của Chile đã làm lay động cả thế giới, trở thành tâm điểm trong hàng loạt sự kiện vốn biến động không ngừng trong tuần qua. Chile đã làm nên kỳ tích về sức mạnh của ý chí, niềm tin, tình đoàn kết và khoa học kỹ thuật. 

Mô tả ảnh.
Tổng thống Chile Sebastian Pinera cùng các thợ mỏ tại bệnh viện ở Copiapo. (Ảnh: Getty Images)
“Một sự tái sinh của cả đất nước”, Tổng thống Sebastian Pinera xúc động đến nghẹn ngào và thốt lên như thế. Nhà lãnh đạo - tỷ phú này đã thực hiện được cam kết của ông rằng, sẽ cứu bằng được tất cả 33 thợ mỏ. Ông trở thành nhân vật nổi bật, người có thể thay đổi hình ảnh chính trị của Chile và mang đất nước Nam Mỹ này tiến gần hơn với các quốc gia đang phát triển. Cho dù gọi thành công này là phép màu nhưng điều kỳ diệu sẽ không xảy ra nếu Chính phủ Chile không huy động tổng lực cứu hộ, không xem trọng tính mạng của từng con người, dù đó chỉ là những người lao động rất đỗi bình thường. Điều kỳ diệu này cũng sẽ không đến nếu các thợ mỏ buông xuôi, đầu hàng trước khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết.

Vấn đề của “hậu San Jose” lúc này là những người hùng hòa nhập trở lại với cuộc sống, đồng thời phải đối mặt với tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng khi 69 ngày chống chọi với sự sống trong lòng đất. Song, sự tái sinh của 33 thợ mỏ sẽ trọn vẹn hơn nữa, câu chuyện giải cứu sẽ lay động trái tim của hàng tỷ người hơn nữa nếu họ được lên mặt đất sớm hơn, chứ không phải chờ đến 69 ngày. Nghĩa là vấn đề an toàn hầm mỏ, các thiết bị bảo hộ lao động vẫn chưa bảo đảm độ an toàn và có thể xảy ra rủi ro bất kỳ lúc nào.

Trong lúc sự an toàn hầm mỏ đang được chú ý sau vụ giải cứu ở Chile, tại Trung Quốc ngày 16-10 lại xảy ra tai nạn ở mỏ than tại thành phố Vũ Trụ, tỉnh Hà Nam. Tính đến hôm qua (17-10), số người thiệt mạng đã tăng lên 26 người. Đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 11 người khác. Rồi gần thành phố Portovelo của Ecuador, 2 người thiệt mạng và 2 người mất tích khi một đường hầm bị sập khiến họ bị kẹt lại ở độ sâu 150m dưới lòng đất tại một mỏ vàng vào ngày 15-10.

Điều đáng nói là tai nạn hầm mỏ mới nhất ở Trung Quốc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Bắc Kinh cho biết đã đóng cửa 1.600 mỏ than nhỏ hoạt động trái phép từ đầu năm 2010 đến nay. Theo AP, nhiều người đặt câu hỏi rằng, các nhà chức trách có nỗ lực giải cứu trong một thảm họa xảy ra chính đất nước này tương tự vụ San Jose ở Chile hay không bởi lẽ, ngành công nghiệp khai mỏ của Trung Quốc được xem là nguy hiểm nhất thế giới. Năm ngoái, khoảng 2.600 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn mỏ ở Trung Quốc. Còn năm nay, con số này ít nhất 515 người, không bao gồm vụ nổ ngày 16-10.

Số người chết ở hầm mỏ giảm đáng kể trong những năm gần đây khi Chính phủ Bắc Kinh yêu cầu đóng cửa các mỏ than bất hợp pháp hoặc chuyển sang thuộc sở hữu của Nhà nước. Các lãnh đạo của quốc gia châu Á này cũng đã và đang thúc đẩy cải thiện độ an toàn hầm mỏ.

Với vụ giải cứu thần kỳ ở Chile, người dân tại quốc gia Nam Mỹ này có quyền tin vào sức mạnh của tình người sẽ làm nên chiến thắng khi đối mặt với thiên tai, thảm họa. Nhưng tốt nhất vẫn là phòng ngừa, giảm tối thiểu những vụ việc tương tự, nếu không tai nạn hầm mỏ vẫn là hiểm họa treo lơ lửng.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.