.
Thế giới tuần qua:

Bầu cử với ám ảnh bạo lực

.
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Kyrgyzstan ngày 10-10 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới của nền dân chủ tại quốc gia Trung Á này.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Roza Otunbayeva đi bỏ phiếu tại Bishkek.Ảnh: Reuters
“Công bằng và minh bạch” là khẳng định của Tổng thống Roza Otunbayeva ngay trước thềm bầu cử. Cam kết của nhà lãnh đạo này được đưa ra trong lúc có những cảnh báo về khả năng bạo lực ở miền Nam. An ninh được thắt chặt nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo lực bùng phát. Mối quan tâm nhất của Chính phủ Kyrgyzstan cũng như các quan sát viên và người dân là tình hình tại các thành phố miền Nam: Osh và Jalal-Abad - nơi đã trải qua các cuộc xung đột đẫm máu giữa tộc người Kyrgyz đa số và tộc người thiểu số Uzbek vào tháng 6 vừa qua khiến hơn 400 người thiệt mạng cùng 400.000 người khác trở nên vô gia cư. Các quan sát viên quốc tế lo ngại bạo lực ở miền Nam có thể khiến nhiều người trong cộng đồng Uzbek thiểu số rút khỏi bầu cử. Trong khi đó, chỉ có 2,8 triệu cử tri trong tổng dân số 5 triệu người tham gia cuộc bầu cử lịch sử này.

Đây là lần đầu tiên Kyrgyzstan tiến hành bỏ phiếu bầu Quốc hội kể từ vụ biểu tình lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev vào tháng 4-2010, và sau đó là trưng cầu dân ý về Hiến pháp - sự kiện vốn được cho là tạo ra dân chủ cho Quốc hội. Theo Hiến pháp mới, Kyrgyzstan sẽ trở thành nước cộng hòa nghị viện sau cuộc tổng tuyển cử lần này, với quyền hành được trao cho Thủ tướng - chức danh do Quốc hội chỉ định, còn Tổng thống chỉ giữ chức năng đại diện.

Trong số 29 đảng với 3.000 ứng viên tham gia tranh cử 120 ghế, khoảng 7 đảng có thể giành được ghế trong Quốc hội. Đảng Ata-Meken của ông Omurbek Tekebayev và Đảng Dân chủ Xã hội của Kyrgyzstan do Almazbek Atambayev lãnh đạo có khả năng dẫn đầu. Cả ông Tekebayev lẫn Atambayev đều là thành viên của Chính phủ lâm thời lên nắm quyền lực sau khi lật đổ Tổng thống Bakiyev. Tuy nhiên, theo thăm dò trước bầu cử, sẽ không có đảng nào giành được hơn 15% phiếu bầu, nghĩa là một chính phủ liên minh là điều khó tránh.

Song, việc thành lập chính phủ liên minh cũng sẽ không đơn giản bởi có hàng chục cộng đồng, sắc tộc khác nhau đi kèm với những lợi ích, mục tiêu khác nhau. Đó là chưa kể các đảng phái nếu thất bại hoặc không giành được ghế nào trong Quốc hội sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử. Bên cạnh đó là tâm lý bất mãn trong người dân đang tăng cao khi đất nước phải đối mặt với quá nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, hệ lụy từ những bất ổn chính trị trong thời gian qua. Ngân sách hiện trống rỗng, nạn đói và tham nhũng đang đe dọa. Thách thức đặt ra cho tương lai của quốc gia Trung Á này thật sự không nhỏ.

Các nhà quan sát cho rằng, bài toán bầu cử và hậu bầu cử cũng như tương lai của một kỷ nguyên mới cho Kyrgyzstan vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro trong khi vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề là những mâu thuẫn, xung đột âm ỉ. Theo nhà phân tích chính trị Mars Sariyev ở Bishkek, Kyrgyzstan có hệ thống bộ tộc và những thị tộc khác nhau này cho đến nay vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán nên việc tiến đến một thỏa thuận chung sẽ vô cùng khó khăn. Những người từng phục vụ trong Chính phủ của ông Bakiyev giờ đây đứng ở vị trí đối lập nhưng lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cử tri miền Nam - “thành trì” của cựu Tổng thống lưu vong. Các nhà phân tích không loại trừ một kịch bản xấu tương tự như “cách mạng màu sắc” vẫn xảy ra ở các nước thuộc Liên Xô cũ do những bất đồng về lợi ích chính trị.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.