(ĐNĐT) - Ngày 30-9, Chính phủ Ecuador đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi hàng trăm sĩ quan cảnh sát và quân đội tổ chức biểu tình và hành hung Tổng thống Rafael Correa sau khi ông có ý định ban hành luật cắt giảm quyền lợi và lương bổng của họ.
Tổng thống Rafael Correa đã phải đeo mặt nạ phòng độc sau khi cảnh sát xịt hơi cay tại thủ đô Quito. Những người biểu tình đã xịt hơi cay, tạt nước, xô đẩy và lăng mạ ông.
Trước tình hình đó, ông buộc phải trốn vào một bệnh viện cảnh sát gần đó, nơi ông bị bao vây bởi các sĩ quan cảnh sát biểu tình. Thông báo với báo giới qua điện thoại, Tổng thống Correa cho biết ông “thực tế đã bị bắt giữ”. Trong khi đó, hàng trăm người ủng hộ ông đã tuần hành đến đơn vị cảnh sát để yêu cầu trả tự do cho ông.
Lực lượng cảnh sát biểu tình cũng đã chiếm tòa nhà Quốc hội nước này, nơi hàng trăm người ủng hộ ông Correa đang tụ tập bên ngoài.
Tổng thống Rafael Correa được dìu đi lánh nạn. Ảnh: AFP |
Tổng thống Correa gọi cuộc biểu tình này là “một âm mưu lật đổ” và chửi mắng giới chức cảnh sát là “một lũ cướp vô ơn”.
Cuộc đối đầu phát sinh sau khi lực lượng an ninh chiếm các doanh trại ở một vài thành phố nhằm phản đối luật cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Ông Correa dọa sẽ giải tán Quốc hội bởi tranh cãi về một vài dự luật, trong đó có cả dự luật về dịch vụ công và giáo dục.
Giới cảnh sát đã tức giận và cho rằng họ đã làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Một vài thành viên của lực lượng không quân đã tham gia biểu tình tại thủ đô Quito, chặn đường băng tại sân bay quốc tế và cấm các máy bay lên xuống.
Ông Miguel Carvajal, Bộ trưởng chịu trách nhiệm các vấn đề an ninh nội địa cho biết, đã có ít nhất một người chết và vài người bị thương.
Trong khi đó, giới chức lãnh đạo quân đội tỏ ra ủng hộ Tổng thống Correa. Tướng Ernesto Gonzales, một quan chức quân đội cao nhất, đã kêu gọi các sĩ quan cảnh sát và binh lính biểu tình hãy chấm dứt hành động của mình. Trong một thông tin phát trên đài phát thanh Ecuador, ông phát biểu rằng: “Chúng ta là một đất nước có luật pháp. Chúng ta phục tùng cơ quan cao nhất, đó là tổng thống nước cộng hòa.”
Một sĩ quan cảnh sát biểu tình đứng cạnh một đám cháy trong cuộc biểu tình của những cảnh sát và binh lính chống lại một luật mới cắt giảm quyền lợi của họ tại một căn cứ cảnh sát ở thủ đô Quito, Ecuador, ngày 30-9. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino đã dẫn đầu một đoàn người náo nhiệt ủng hộ chính phủ tại biệt thự Carondelet, nhà riêng của Tổng thống Correa. Ông thúc giục đám đông hãy xuống đường để “phản đối một cách hòa bình cuộc đảo chính này” và “cứu tổng thống”.
Hiện Peru đã đóng cửa biên giới về Ecuador. Trong khi đó, thông điệp ủng hộ ông Correa ra đã được gởi tới từ 10 nước Mỹ Latin như Argentina, Venezuela, Mexico, Colombia, Peru, Chile, Bolivia, Costa Rica, Cuba and Honduras. Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) cũng đã tuyên bố ủng hộ ông Correa.
Quang Hiển (theo NYTimes, CNN)