.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Cuộc chiến lịch sử của Đảng Dân chủ

.

Sarah Palin - cựu ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa, người được xem là chất xúc tác của Đảng Trà - gọi cuộc bầu cử ngày 2-11 là “cơn động đất chính trị”.

Mô tả ảnh.
Sau 2 năm nắm quyền, Tổng thống Barack Obama (phải) và Phó Tổng thống Joe Biden không đạt được những cam kết ban đầu.  (Ảnh: AP)

Ngày 2-11 (giờ địa phương), hàng triệu cử tri Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để lựa chọn Hạ viện mới, 1/3 số ghế ở Thượng viện và thống đốc ở một số bang. CNN cho rằng, đây là cuộc trưng cầu dân ý đối với cả hai cơ quan lập pháp hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát và với Tổng thống Barack Obama trong 2 năm đầu nắm quyền. Tuy nhiên, theo đánh giá ngay trước thềm bầu cử, Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama có khả năng mất đa số ghế trong Hạ viện, nhưng có thể vẫn nắm giữ thế thượng phong ở Thượng viện. 

BBC cho biết, các điểm bỏ phiếu ở Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New York, Tennessee, Vermont và Virginia mở cửa lúc 6 giờ (giờ địa phương). Việc bỏ phiếu kéo dài trong 14 giờ và các điểm bầu cử ở Alaska sẽ là những nơi đóng cửa cuối cùng.

Các đảng đã tận dụng ngày cuối cùng (1-11) để kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri. Tổng thống Obama nỗ lực vận động cho Đảng Dân chủ của mình thông qua cuộc trả lời phỏng vấn của Ryan Seacrest, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng “American Idol” - cuộc thi âm nhạc và chương trình truyền hình thực tế của Mỹ. Ông Obama cũng trả lời phỏng vấn các đài phát thanh ở những thành phố: Milwaukee, Cincinnati, Philadelphia, Honolulu và Miami. Còn đệ nhất phu nhân Michelle Obama có mặt trong chiến dịch ở Nevada và Pennsylvania.

Đảng Cộng hòa cần giành được 39 ghế để nắm quyền kiểm soát ở Hạ viện và 10 ghế để chiếm ưu thế ở Thượng viện. Các thăm dò đều dự đoán đảng này sẽ lấn lướt tại Hạ viện, nhưng gặp khó khăn trong cuộc đua ở cơ quan lập pháp còn lại. Theo AP, phe Cộng hòa cũng giành được sự ủng hộ từ Đảng Trà, vốn chống lại các chính sách của Tổng thống Obama cũng như chương trình kích cầu kinh tế và chăm sóc y tế của Đảng Dân chủ. Xuất hiện trong một chương trình truyền hình vào ngày 31-10 (giờ địa phương), nhân vật được xem là chất xúc tác của đảng mới toanh này, cựu ứng viên Phó Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin đã gọi cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ là “cơn động đất chính trị”. Lãnh đạo đảng Cộng hòa John Boehner khẳng định “các vấn đề kinh tế” của nước Mỹ vốn không bắt đầu dưới thời ông Obama nhưng các chính sách của ông đã làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Theo dự kiến, ông Boehner thay thế Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nếu phe Dân chủ thất bại.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng là một phép thử đối với Đảng Trà - phong trào mới ra đời - và sẽ cho thấy có bao nhiêu ứng viên của “những kẻ phá bĩnh này” có thể giành thắng lợi.

Trợ lý đắc lực của Tổng thống Obama - Ngoại trưởng Hillary Clinton - đang có chuyến công cán đến Malaysia đã bày tỏ hy vọng rằng, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn sẽ tiếp tục các chính sách đối nội và đối ngoại, ngay cả khi phần thắng thuộc về phe Cộng hòa. Bà khẳng định: Nếu đảng cầm quyền mất quyền kiểm soát Quốc hội, Chính phủ của Tổng thống Obama vẫn theo đuổi các chương trình của mình.

Theo các nhà phân tích, trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, đảng cầm quyền luôn thất thế bởi sau 2 năm đầu nắm quyền, họ không thể thực hiện được quá nhiều cam kết lúc vận động tranh cử Tổng thống. Và Đảng Dân chủ của ông Obama cũng không ngoại lệ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.