.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Đêm chiến thắng của Đảng Cộng hòa

.
Đảng Dân chủ đã mất quyền kiểm soát ở Hạ viện, nhưng vẫn chiếm ưu thế tại Thượng viện.

Mô tả ảnh.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cảm ơn những người ủng hộ. Ảnh: AP
 
Đêm 2-11 (sáng 3-11, giờ Việt Nam) là đêm nghẹt thở đối với Đảng Dân chủ khi để 6 ghế ở Thượng viện rơi vào tay Đảng Cộng hòa ở các bang: Pennsylvania, Wisconsin, Arkansas, Bắc Dakota, Illinois và Indiana. Song, đảng cầm quyền vẫn chiếm ưu thế trong cơ quan này bởi họ giành chiến thắng ở cuộc đua quyết định tại Tây Virginia và California. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế ở Hạ viện, cân bằng cán cân quyền lực trên chính trường nước Mỹ.

Kịch tính

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, tất cả 435 ghế ở Hạ viện được bầu lại cùng với 37/100 ghế ở Thượng viện và 37/50 ghế thống đốc các bang.

Hãng AP dẫn kết quả sơ bộ cho thấy, Đảng Cộng hòa giành thêm ít nhất 60 ghế trong Hạ viện, thành tựu lớn nhất trong hơn 70 năm qua, nâng tổng số ghế hiện có lên 240, so với 183 ghế của Đảng Dân chủ. Trong số các nghị sĩ thất bại của Đảng Dân chủ có Tom Perriello - người vừa mới tham gia Hạ viện, và những nỗ lực vận động tranh cử của ông Obama tại Virginia vào cuối tuần qua cũng không thể cứu vãn cho hạ nghị sĩ này.

Riêng 6 ghế mà phe Cộng hòa lấy từ đảng cầm quyền ở Thượng viện có sự đóng góp của “những kẻ phá bĩnh” - Đảng Trà, với chiến thắng vẻ vang của Rand Paul ở Kentucky, Mike Lee ở Utah và Marco Rubio ở Florida. Ứng viên Rand Paul đã làm nên lịch sử khi trở thành “người ngoài” đầu tiên không thuộc 2 chính đảng bước vào Quốc hội, thay thế nghị sĩ Cộng hòa nghỉ hưu Jim Bunning. Được sự hậu thuẫn của cựu ứng viên Phó Tổng thống, cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, Đảng Trà muốn đưa các ứng viên của mình nắm giữ ở một số khu vực. Tuy nhiên, nhân vật nổi bật Christine O’Donnell đã thất bại ở Delaware. Chiếc ghế nghị sĩ của ông Obama ở bang Illinois trước khi trở thành Tổng thống cũng bị mất khi Thượng nghị sĩ Mark Kirk đánh bại Alexi Giannoulias.

Tại Nevada, nơi diễn ra một trong những cuộc đua gay cấn nhất trong đêm 2-11, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sĩ kỳ cựu của Đảng Dân chủ Harry Reid đã vượt qua ứng viên Sharron Angle thuộc Đảng Trà.

Cuộc hoán đổi cũng diễn ra ngọan mục khi phe Cộng hòa lấy của đảng cầm quyền ít nhất 10 ghế thống đốc ở các bang: Pennsylvania, Ohio, Michigan, Winsconsin, Iowa, Tennessee, Kansas, Oklahoma, New Mexico và Wyoming.

Thế khó cho Tổng thống Obama

Với chiến thắng của Đảng Cộng hòa, phát biểu trước những người ủng hộ ở Washington, Hạ nghị sĩ John Boehner - người sẽ giữ chức Chủ tịch Hạ viện - không giấu được sự xúc động. Ông tuyên bố: Kết quả bỏ phiếu là “sự bác bỏ Washington, bác bỏ một Chính phủ lớn và bác bỏ các chính trị gia đã từ chối lắng nghe người dân”. Ông nói rằng, cử tri đã gửi thông điệp đến Tổng thống Obama về sự cần thiết thay đổi. Song, theo Chủ tịch Ủy ban quốc gia Dân chủ Tim Kaine, thông điệp của cử tri rằng, sự thay đổi không thể diễn ra quá nhanh chóng. Các chuyên gia nhận định: Những lá phiếu của cử tri phản ánh việc họ thất vọng với tỷ lệ thất nghiệp cao và chi tiêu của Chính phủ. Sự “lên ngôi” của ông Boehner cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ làm Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ Đảng Trà trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: AP
 
Tổng thống Barack Obama đã trở về Nhà Trắng, sau đó điện thoại cho ông Boehner để chúc mừng về chiến thắng này. Vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ cam kết sẽ tìm kiếm “con đường chung, thúc đẩy đất nước tiến về phía trước và làm mọi điều vì người dân Mỹ”.

Trả lời phỏng vấn hãng Tân Hoa Xã, nhà nghiên cứu John Fortier tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, khi Đảng Dân chủ nắm giữ đa số trong Quốc hội, ông Obama có thể tập trung vào các ưu tiên lớn và lâu dài như vấn đề y tế. Nhưng giờ đây, nhà lãnh đạo này sẽ phải tập trung vào những vấn đề nhỏ hơn, những vấn đề mà có thể Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ.

Thăm dò của ABC cho thấy, 88% người Mỹ tin rằng, nền kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới đang rơi vào trạng thái tồi tệ. Tỷ lệ này tương đương với con số được đưa ra ngay trước khi ông Obama được bầu làm Tổng thống vào năm 2008. Cũng theo thăm dò của ABC, 73% người dân Mỹ không hài lòng, thậm chí tỏ ra tức giận với cách điều hành của Chính phủ liên bang. Trong khi đó, tỷ lệ không hài lòng dành cho Đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Bill Clinton trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ vào năm 1994 là 69%.
VĨNH AN
;
.
.
.
.
.