.

CHDCND Triều Tiên dọa tấn công Hàn Quốc

.
Ngày 25-11, CHDCND Triều Tiên cảnh báo sẽ trả đũa hơn nữa nếu Seoul có bất kỳ “sự khiêu khích quân sự thiếu thận trọng” nào. Trong thông điệp gửi quân đội Mỹ, Bình Nhưỡng cho rằng, Washington phải chịu một phần trách nhiệm với trận pháo kích vừa qua.

Mô tả ảnh.
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia tập trận. Ảnh: Reuters
 
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cam kết tăng cường an ninh xung quanh việc CHDCND Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong, gần biên giới tranh chấp. Hàn Quốc đã ra lệnh triển khai thêm quân đội ở các đảo gần CHDCND Triều Tiên. Sáng 25-11, ông Lee Myung-bak đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp để xem xét kiểm soát những tác động kinh tế sau vụ tấn công và đưa ra thêm những giải pháp an ninh phù hợp. Hãng AP cho biết, mặc dù các cuộc tập trận Mỹ - Hàn với sự hiện diện của tàu sân bay USS George Washington dự kiến bắt đầu từ ngày 28-11 tới được lên kế hoạch từ trước nhưng chắc chắn “chọc giận” CHDCND Triều Tiên. Trong tuyên bố của mình, quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên không đề cập cụ thể đến những cuộc diễn tập này nhưng cảnh báo quân đội Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục trả đũa lần thứ hai và thứ ba nếu Seoul khiêu khích quân sự.  

Hàn Quốc lẫn Mỹ đều gây áp lực lên Trung Quốc nhằm buộc nền kinh tế thứ hai thế giới này dùng ảnh hưởng của mình đối với đồng minh CHDCND Triều Tiên. Hy vọng của Seoul và Washington là sự can thiệp của Bắc Kinh sẽ tháo gỡ căng thẳng trong vụ đấu pháo khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, trong đó có 2 thường dân. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama thúc giục Trung Quốc kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Chủ tịch Hội đồng liên quân - đô đốc Mike Mullen - cho rằng quan trọng là cộng đồng quốc tế phải dẫn dắt, nhất là Trung Quốc.

AP dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi tất cả các bên thể hiện “kiềm chế đến mức thấp nhất” xung quanh những căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo này nói rằng Bắc Kinh phản đối những hành động khiêu khích quân sự dù bất kỳ hình thức nào. Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để tháo gỡ căng thẳng. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết nối lại đàm phán 6 bên nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo ông, những cuộc đối thoại với sự tham gia của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ là cách tốt nhất để bảo đảm ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, báo chí ở Seoul cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-il và con trai của mình, Đại tướng Kim Jong-un đã đến thăm căn cứ pháo binh ven biển - nơi bắn đạn pháo nhằm vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc - chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc tấn công.

Đảo Yeonpyeong - nơi có 1.300 người dân sinh sống - hôm qua trông như một vùng dã chiến với nhà và các cửa hiệu hoàn toàn bị san phẳng, đường phố ngổn ngang những mảnh thủy tinh do các cửa sổ vỡ. Hàng trăm người dân đã được sơ tán vào đất liền, nhưng một số người vẫn ở lại để tìm kiếm tài sản cá nhân và trải qua đêm giá lạnh trong những nơi trú ẩn tạm bợ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chức

Ngày 25-11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã từ chức trong lúc bị chỉ trích gay gắt xung quanh vụ tấn công của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Lee Myung-bak đã chấp nhận quyết định từ chức của ông Kim Tae-young và sẽ bổ nhiệm người đứng đầu ngành Quốc phòng mới vào hôm nay (26-11).

Ngay trước đó, các nhà lập pháp thuộc Đảng Đại dân tộc (GNP) yêu cầu sa thải các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, các lãnh đạo quân đội cấp cao khác vì đã phản ứng chậm và không thỏa đáng, bắn trả lại 80 quả đạn pháo trong khi CHDCND Triều Tiên bắn đến 170 quả. Đồng thời, 13 phút sau khi quốc gia miền Bắc bắn quả đầu tiên thì Seoul mới đáp trả.

Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua nghị quyết với số phiếu áp đảo lên án vụ nã pháo của CHDCND Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng hành động gây hấn quân sự, xin lỗi Seoul và cam kết không tái diễn tấn công.

 

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.