.

Hệ thống cảnh báo không giúp nạn nhân sóng thần

Hệ thống cảnh báo tiêu tốn hàng tỷ USD được lắp đặt ở Indonesia sau vụ sóng thần năm 2004 đã không cứu được tính mạng dân làng trong thảm họa mới nhất xảy ra vào tuần qua khiến hơn 400 người thiệt mạng và cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà ở 20 làng.

AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra là hệ thống cảnh báo của Indonesia có hoạt động tốt không, khi sóng thần do động đất gây ra có thể nhanh chóng đổ ập vào bờ trước khi nâng mức cảnh báo hiệu quả. Theo Renato Solidum, Giám đốc Viện Địa chấn và Núi lửa của Philippines, người dân sống khu vực ven biển cần học cách đọc những tín hiệu tự nhiên và ngay lập tức sơ tán, thậm chí trước khi có báo động. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định: Việc đọc được những tín hiệu như thế không dễ.

Các nhà chức trách Indonesia tiếp tục tiến hành các hoạt động cứu trợ nạn nhân sóng thần, sau khi tìm được 135 người mất tích tưởng như đã thiệt mạng. Thời tiết ngày 31-10 rất quang đãng, thuận lợi để trực thăng và tàu tiếp cận các làng bị cô lập. Nước uống, thực phẩm, thuốc và lều bạt đã được đưa đến làng Tumalei ở đảo Bắc Pagai, nơi có 200 người phải dựa vào bất kỳ những gì tìm được trong các khu rừng để tồn tại trong những ngày qua. Tính đến nay, số người chết lên đến 449 người và còn 96 người khác mất tích.

Trong lúc đó, hàng ngàn dân làng đã trở về nhà sau khi sơ tán do núi lửa Merapi phun trào làm 36 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, núi lửa này có thể hoạt động trở lại vào bất kỳ lúc nào. Mỹ và Australia cam kết viện trợ tổng cộng 3 triệu USD, trong khi Ủy ban châu Âu gửi 2 triệu USD cho các nạn nhân trong 2 thảm họa.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.