Các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Dân chủ cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton, ngày 17-11 thảo luận về sự cần thiết để Thượng viện phê chuẩn hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Nga (START) trong năm 2010.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã ký Hiệp ước START mới vào tháng 4-2010 tại Prague (CH Czech). Ảnh: New York Times |
Một ngày trước đó, Phó Tổng thống Joe Biden đã thúc giục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước START. Tuyên bố của ông Biden được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thượng nghị sĩ Jon Kyl thuộc Đảng Cộng hòa cho biết, việc bỏ phiếu có thể bị trì hoãn. Mạng Boston.com dẫn tuyên bố của Phó Tổng thống Biden nói rằng, thất bại trong việc thông qua Hiệp ước START mới vào năm nay sẽ làm nguy hại đến an ninh của Mỹ. “Nếu không phê chuẩn hiệp ước này, chúng ta sẽ không đưa người Mỹ đến giám sát các hoạt động hạt nhân của Nga, không có chế độ kiểm tra để theo dõi kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, giảm hợp tác giữa 2 nước vốn chiếm 90% vũ khí hạt nhân thế giới, và cũng không xác nhận được việc cắt giảm hạt nhân”, ông Biden nói. Nhà lãnh đạo này cũng gọi hiệp ước là một phần nền tảng trong quan hệ giữa Mỹ với Nga, quan trọng đối với khả năng của Washington trong việc đưa quân đội đến Afghanistan và thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ Chính phủ Iran.
Hiệp ước START mới do Tổng thống Mỹ Brarack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào tháng 4-2010 thay thế cho Hiệp ước START năm 1991 hết hạn từ tháng 12 năm ngoái. Theo đó, cả Nga lẫn Mỹ đều cam kết giảm vũ khí hạt nhân chiến lược từ 2.200 đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 đầu đạn, đồng thời thiết lập tiến trình để thanh tra kho vũ khí của mỗi bên. Hiện các nhà lãnh đạo Mỹ cần 67 phiếu ở Thượng viện để phê chuẩn hiệp ước. Tổng thống Barack Obama đang thúc đẩy thông qua START vào cuối năm nay trước khi các nghị sĩ Thượng viện tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 năm tới với lợi thế của Đảng Dân chủ tại cơ quan lập pháp này giảm sút từ 59 ghế còn 53 ghế.
Thượng nghị sĩ Jon Kyl - người dẫn đầu phe Cộng hòa ở Thượng viện trong việc phê chuẩn hiệp ước- nói rằng, ông nghĩ vấn đề không thể được xem xét ngay trong năm nay. Vị nghị sĩ này đã viện dẫn một chương trình bận rộn của Thượng viện và sự phức tạp của hiệp ước mới.
Phó Tổng thống Biden cho biết, hiệp ước giành được sự ủng hộ của những thành viên trong các Chính phủ cũ, từ cả hai đảng, bao gồm các cựu Ngoại trưởng và các cựu Bộ trưởng Quốc phòng. Theo CNN, Nhà Trắng đã làm việc để xoa dịu những quan ngại của Thượng nghị sĩ Kyl, thậm chí còn phái 3 quan chức của Chính phủ gặp ông vào tuần trước, đồng thời đề nghị thêm 4,1 tỷ USD bổ sung vào kế hoạch trị giá 80 tỷ USD nhằm hiện đại hóa chương trình vũ khí trong thập niên đến.
BÌNH YÊN