Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan được Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt lên bàn nghị sự với lời kêu gọi hàn gắn, giảm thiểu căng thẳng trong khu vực. Đến New Delhi ngày 8-11, Tổng thống Barack Obama đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ấn Độ trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới và hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thủ tướng Manmohan Singh (thứ hai, từ trái sang) chào đón Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle Obama đến New Delhi. (Ảnh: Reuters) |
Tối cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, ông Obama đề cập việc chống khủng bố, an ninh khu vực, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu và sự tăng trưởng kinh tế. Song, trong các cuộc gặp, người đứng đầu Nhà Trắng không bày tỏ ý kiến về can thiệp của Mỹ đối với tranh chấp giữa New Delhi với Islamabad xung quanh vấn đề Kashmir.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Manmoham Singh, Tổng thống Obama nói rằng, cả Ấn Độ và Pakistan đều quan tâm đến việc giảm căng thẳng trong khu vực nhưng Mỹ không thể áp đặt bất kỳ giải pháp nào đối với vấn đề này. Ông Obama cũng hy vọng trong vài tháng đến, 2 nước láng giềng Nam Á sẽ có thể tìm được tiếng nói chung, giải quyết những bất đồng về Kahsmir. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã đề nghị hỗ trợ 2 nước xoa dịu căng thẳng.
AP cho biết, xung đột Kashmir là căng thẳng chính giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Islamabad thường tìm kiếm sự can thiệp từ bên ngoài để giải quyết vấn đề Kashmir, nhưng New Delhi kịch liệt phản đối sự can dự của nước ngoài. Do đó, theo các nhà phân tích, trong chặng dừng chân ở Ấn Độ trong 3 ngày, Tổng thống Obama tránh làm nước chủ nhà thất vọng, cũng như tránh chọc giận Pakistan - một đồng minh then chốt chống khủng bố của Mỹ.
Ngay sau lời thúc giục của nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari khẳng định: Ấn Độ đã không đáp ứng tích cực với lời đề nghị hòa bình từ Islamabad vào đầu năm nay. Tuyên bố từ người phát ngôn của ông Zardari cho rằng, sẽ rất hữu ích nếu sáng kiến của Pakistan được chào đón và phản hồi tích cực. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á này còn nhấn mạnh: Chính vụ khủng bố trung tâm tài chính Mumbai vào năm 2008 với 166 người thiệt mạng, và New Delhi cáo buộc các chiến binh Pakistan là thủ phạm, đã hủy hoại những nỗ lực đối với tiến trình hòa bình giữa 2 nước. Ông nói rằng, Islamabad đang hợp tác điều tra và đưa ra ánh sáng những thủ phạm của vụ tấn công này.
Pakistan vốn đặc biệt quan tâm đến chuyến công cán của Tổng thống Obama đến Ấn Độ. Trong khi đó, mặc dù lịch trình cụ thể chưa được công bố, nhưng Nhà Trắng nói rằng, ông Obama sẽ đến Pakistan vào năm 2011, đồng thời chào đón người đồng cấp Zardari đến Washington.
Theo AP, quan hệ nồng ấm hơn giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ giúp Washington trong cuộc chiến ở Afghanistan bởi Islamabad có thể di chuyển quân đến biên giới phía Tây để chống lại các chiến binh tại nơi này. Hiện Ấn Độ cáo buộc các cơ quan tình báo của Pakistan ủng hộ các chiến binh thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào nước này, bao gồm vụ khủng bố Mumbai. Căng thẳng giữa 2 nước càng gia tăng từ đó và tiến trình hòa bình cũng bị chậm lại. Pakistan đã bắt giữ 7 nghi phạm có liên quan, nhưng chưa chính thức mở phiên tòa xét xử. Islamabad muốn nối lại đàm phán, trong đó có vấn đề Kashmir, nhưng New Delhi cho rằng nước láng giềng chưa nỗ lực đủ để trừng phạt những thủ phạm của vụ khủng bố Mumbai, hoặc bảo đảm sự việc này sẽ không tái diễn. Trong những tháng gần đây, 2 nước đã nối lại các cuộc đối thoại “xây dựng niềm tin” giữa các Ngoại trưởng.
PHÚC NGUYÊN