.

Mỹ muốn tiến gần thế giới Hồi giáo

.

Tổng thống Barack Obama kêu gọi cần nỗ lực hơn để phục hồi mối quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo. Phát biểu trước hơn 6.000 người tại thủ đô Jakarta trong chuyến công du đến Indonesia sáng 10-11, Tổng thống Barack Obama thúc giục cả Mỹ lẫn các nước Hồi giáo cần gạt bỏ “sự hoài nghi và không tin tưởng” để cùng đi trên con đường chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và người đồng cấp Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã thống nhất thúc đẩy quan hệ hợp tác về chính trị, an ninh. (Ảnh: THX/Reuters)

“Indonesia là một phần của tôi”, ông Obama khẳng định. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, những người vô tội khắp nơi trên thế giới vẫn là mục tiêu tấn công của các chiến binh. Đồng thời, ông nhấn mạnh: Mỹ sẽ không và không bao giờ có chiến tranh với thế giới Hồi giáo.

Theo hãng tin AP, bài nói chuyện của Tổng thống Obama được cho là nhắc lại những vấn đề trong phát biểu cách đây 17 tháng tại Cairo (Ai Cập) khi ông tuyên bố “bắt đầu mới” trong quan hệ Mỹ với thế giới Hồi giáo sau những căng thẳng xung quanh vụ 11-9-2001. Lúc đó, ông đã đề cập đến các cuộc xung đột tại Iraq, Afghanistan, Israel và Palestine. Sau bài phát biểu tại Cairo vào tháng 6-2009, Mỹ và các nước Hồi giáo vẫn không giải quyết được những bất đồng. Al-Qaeda vẫn tìm kiếm các cuộc tấn công nhằm vào phương Tây. Việc giải quyết căng thẳng Israel - Palestine không đạt được tiến triển nào đáng kể. Trong khi đó, quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú tại Iraq, Afghanistan cùng những tổn thất nặng nề và cả sự bế tắc trong chiến lược bình ổn thời hậu chiến. Vì thế, niềm tin vào Tổng thống Obama ở các nước Hồi giáo bị giảm sút.

Đám đông đã lắng nghe nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu và chào đón ông như ngôi sao nhạc rock, một người con trở về sau nhiều thập niên xa cách. Ông đã từng sống tại Indonesia lúc 6 tuổi và sau đó trở về Haiwaii (Mỹ) năm 10 tuổi.

"Mỹ và Indonesia đang gắn kết với nhau bởi các lợi ích cũng như các giá trị chung". (Tổng thống Mỹ Barack Obama)

Tổng thống Obama chia sẻ: Indonesia được xem là điển hình của một nền dân chủ đang nổi lên trong phát triển kinh tế và một đất nước với đa số người Hồi giáo nhưng vẫn hòa hợp với các tôn giáo khác. Ông cho rằng, 17 tháng qua đã đạt được một số tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều công việc cần phải làm. “Hôm nay, tôi trở về Indonesia như một người bạn, nhưng cũng là một Tổng thống tìm kiếm quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài giữa 2 nước”, ông chủ Nhà Trắng nói. Ông nhấn mạnh đến việc Mỹ và Indonesia đang gắn kết với nhau bởi các lợi ích cũng như các giá trị chung.

Tổng thống Obama đã kết thúc chuyến thăm Indonesia sớm hơn vài giờ so với dự kiến do lo ngại tro bụi của núi lửa Merapi sẽ ảnh hưởng đến chuyến bay của ông đến Hàn Quốc. Một số chuyến bay quốc tế đã bị hoãn. 10 giờ 45 (giờ địa phương) ngày 10-11, ông Obama đã rời Jakarta để đến Seoul tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, hành trình tiếp theo trong chuyến công du châu Á 10 ngày. Tại Seoul, ông sẽ gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đồng thời phát biểu với quân đội Mỹ vào hôm nay (11-11).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.