Bất chấp sự phản đối của CHDCND Triều Tiên và sự e ngại của Trung Quốc, cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn diễn ra vào ngày 28-11 trên biển Hoàng Hải theo đúng kế hoạch. Đây là lời cảnh báo đanh thép đối với Bình Nhưỡng vì những hành động khiêu khích, trong đó có việc nã pháo lên đảo Yeonpyeong, khiến bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng nhất kể từ năm 1953 đến nay.
Cuộc tập trận 4 ngày diễn ra cách giới tuyến biển giữa 2 miền Triều Tiên 125km. Hàn Quốc triển khai 2 tàu khu trục, một tàu tuần tiễu hải quân và một máy bay chống tàu ngầm. Mỹ tham gia tập trận với tàu sân bay USS George Washington, tàu tuần dương USS Cowpens, tàu khu trục USS Stethem, tàu USS Fitzgerald, tàu USS Shiloh, 6.000 thủy thủ đoàn và 75 máy bay chiến đấu của hải quân.
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu có những nỗ lực ngoại giao để kiềm chế các bên có liên quan trong khu vực bằng việc đề xuất họp khẩn cấp giữa lãnh đạo các phái đoàn đàm phán 6 bên vào đầu tháng 12 tới tại Bắc Kinh. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang được kỳ vọng và thúc giục phải đóng góp nhiều hơn với các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc hội đàm giữa đặc sứ Trung Quốc - Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vào sáng 28-11, Bắc Kinh nói rằng sẽ mời một quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên tham gia đàm phán trong tuần này. Tổng thống Lee Myung-bak cùng ông Đới Bỉnh Quốc đã thảo luận về cuộc tấn công của CHDCND Triều Tiên và giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên Choe Thae Bok dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào ngày mai (30-11).
Trong lúc những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra, pháo lại nổ ở biên giới liên Triều và xuất phát từ một căn cứ quân sự của CHDCND Triều Tiên ở phía bắc đường biên giới trên biển Hoàng Hải. Song, không quả đạn pháo nào rơi xuống đảo Yeonpyeong. CHDCND Triều Tiên thậm chí còn triển khai nhiều tên lửa đất đối không SA-2 gần khu vực tranh chấp ở Hoàng Hải như một động thái sẵn sàng đáp trả nếu chủ quyền của Bình Nhưỡng bị xâm phạm.
Phản ứng của CHDCND Triều Tiên hiện vẫn được cho là khó phỏng đoán. Theo Bình Nhưỡng, cái chết của 4 công dân Hàn Quốc vào tuần qua là đáng tiếc, nhưng lại chỉ trích Seoul đã khơi mào tập trận quân sự trên vùng biển, chống lại cảnh báo của nước này. Quốc gia phía Bắc còn cáo buộc người láng giềng Seoul đã sử dụng dân thường như những tấm chắn trên đảo Yeonpyeong.
Căng thẳng đang ngày càng gia tăng và là lần đối đầu thứ hai giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong năm nay sau vụ chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Trong vụ chìm tàu Cheonan, Bình Nhưỡng và Seoul đều không tìm được tiếng nói chung khi một bên ra sức cáo buộc, còn một bên phủ nhận mọi kết quả điều tra. Giờ đây, cộng đồng thế giới nói chung, dư luận Hàn Quốc nói riêng đang lo sợ khả năng một cuộc chiến liên Triều, bởi bất kỳ động thái nào leo thang trong lúc này sẽ đẩy tình hình theo hướng xấu. Sự can thiệp hòa giải của Liên Hợp Quốc, của quốc tế, nhất là Trung Quốc - quốc gia đồng minh và có ảnh hưởng nhất với CHDCND Triều Tiên, sẽ có tác động lớn cho hòa bình, an ninh của khu vực Đông Bắc Á.
VĨNH AN