.
Thế giới tuần qua:

Phép thử với Tổng thống Obama

.
Tổng thống Barack Obama cuối tuần qua đã tiến hành những hoạt động cuối cùng tại bang Ohio trong chiến dịch tranh cử giữa nhiệm kỳ của Đảng Dân chủ. Trong mắt Nhà Trắng, Ohio là tiểu bang quan trọng về mặt chính trị nhất ở Mỹ. Đây là chuyến công cán đến Ohio lần thứ 12 của ông Obama kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng và lần thứ hai trong 2 tuần ông hiện diện tại bang này.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch vận động tại Philadelphia, bang Pennsylvania. (Ảnh: AP)
Ohio là một trong 9 bang trên bản đồ của Đảng Dân chủ được ông Obama mở rộng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008. Các cố vấn của Obama tin rằng, cử tri nơi đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho nhà lãnh đạo này trở lại Nhà Trắng. Thống đốc bang Mississippi Haley Barbour thuộc Đảng Cộng hòa cũng cho rằng, cuộc bầu cử ngày 2-11 là mốc then chốt để quyết định xem ông Obama có tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012 hay không. Với sự ủng hộ của cử tri, trong năm nay, Ohio là mảnh đất cơ hội giúp Đảng Dân chủ nắm giữ đa số ghế trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện cũng như một số vị trí thống đốc chủ chốt khác, đồng thời trở thành “chiến trường” với nhiều thách thức cho các ứng viên.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử giữa nhiệm kỳ trên khắp nước Mỹ của Tổng thống Obama lại vấp phải không ít khó khăn. Không những thế, những khó khăn này thậm chí còn được gọi là “thảm họa” với Đảng Dân chủ. Ngày 2-11, người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn các nghị sĩ quốc gia, các lãnh đạo bang trong tâm trạng tức giận sau 2 cuộc chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9,6% và thâm hụt ngân sách cũng ở mức kỷ lục. Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, kinh tế tăng trưởng trong quý 3 năm nay là 2%, tăng nhẹ so với quý 2, nhưng vẫn còn rất xa để đuổi kịp mức tăng trưởng mà Đảng Dân chủ trước đó đã cam kết với cử tri.

Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều dự đoán phe Dân chủ sẽ mất hàng chục ghế ở Hạ viện, tạo cơ hội cho Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Tại Thượng viện, số ghế của Đảng Dân chủ cũng có thể giảm và họ sẽ không giành quyền kiểm soát hoàn toàn cơ quan này. Thăm dò gần đây của ABC News/Yahoo cho thấy, 85% người Mỹ tỏ ra bất bình hoặc không hài lòng với nền kinh tế. Họ không chỉ tức giận mà còn tổ chức một phong trào mới, gọi là Đảng Trà - vốn “dị ứng” với các cải cách của Tổng thống Obama. “Những người mới đến” này đã gây lo ngại cho phe Dân chủ bằng những cuộc xuống đường yêu cầu giảm thuế và chi tiêu của Chính phủ.
Trong các chiến dịch vận động tại các bang Pennsylvania, Connecticut, Illinois và Ohio vào cuối tuần qua, ông Obama nhấn mạnh: Các chính trị gia của nước Mỹ chỉ có 2 sự lựa chọn đơn giản, hoặc để đất nước lâm vào bế tắc trong 2 năm tới, hoặc tiến về phía trước. “Chúng ta có thể thúc đẩy việc làm mới bằng cách khai thác tài năng của người dân Mỹ. Chúng ta có thể tạo những bước đi cần thiết để giúp thế hệ kế cận, thay vì chỉ lo lắng về cuộc bầu cử sắp tới”, vị Tổng thống 49 tuổi nói.

Lãnh đạo phe Cộng hòa John Boehner - người dường như sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện nếu đảng này chiếm đa số ghế - cho rằng chính sách của ông Obama đã không ổn định được các vấn đề kinh tế của đất nước. Boehner nhận định: “Những vấn đề này không bắt đầu dưới thời Tổng thống Obama. Nhưng thay vì ổn định những khó khăn, các chính sách của ông lại làm cho nó trầm trọng hơn”.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.