.
Thế giới tuần qua

Tìm việc làm cho người Mỹ

.
Các thỏa thuận xuất khẩu của Mỹ trị giá 10 tỷ USD vào Ấn Độ đã được cam kết vào cuối tuần qua, trong chặng dừng chân 3 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến quốc gia châu Á này. Theo đó, Mỹ sẽ nới lỏng quy định về xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Ấn Độ. Các công ty tư nhân ở nền kinh tế mới nổi này sẽ mua sản phẩm của Mỹ, bao gồm máy bay trực thăng Boeing, các động cơ và sản phẩm công nghệ khác. 

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân đã dừng chân tại Mumbai của Ấn Độ. Ảnh: news.cn
Các thỏa thuận sẽ tạo ra khoảng 54.000 việc làm ở Mỹ. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này vẫn khiêm tốn so với tình trạng khủng hoảng việc làm tại nước Mỹ và cần đến 300.000 việc làm mới/tháng để giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức kỷ lục gần 9,6%. 

Chuyến công du châu Á 10 ngày và được cho là dài nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama được bắt đầu ngay sau khi Đảng Dân chủ của ông thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là việc cử tri mất niềm tin vào cam kết của Tổng thống Obama trong việc chèo lái nền kinh tế đang chao đảo ở Mỹ. Vì vậy, chọn châu Á - nơi mà ông Obama gọi là “thị trường của tương lai” - để thúc đẩy quan hệ thương mại, nhà lãnh đạo này muốn khẳng định chính sách của Nhà Trắng không thay đổi, cho dù Đảng Cộng hòa nắm giữ Hạ viện, đồng thời tìm việc làm cho người Mỹ nhằm xoa dịu sự tức giận của cử tri trong nước, nhất là khi ông chỉ còn 2 năm thực hiện các cam kết, tạo đà tái tranh cử vào năm 2012.

“Với Mỹ, đây là chiến lược việc làm”, Tổng thống Obama đã khẳng định khi nói về các thỏa thuận với Ấn Độ. Ông nhấn mạnh đến việc Ấn Độ sẽ giúp người Mỹ có thêm việc làm, chứ không cướp công việc mới nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ. Thực tế, các thương hiệu của Mỹ như mỹ phẩm Mary Kay, mô-tô Harley-Davidson, bánh mì ngọt Cinnabon đã thiết lập cửa hàng hoặc mở rộng tại Ấn Độ. Trong khi đó, các công ty khổng lồ của Mỹ như General Motors và Hãng dược phẩm Bristol-Myers cũng đang mở rộng nhà máy, đại lý, phòng thí nghiệm tại Ấn Độ. Xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 14,6 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng gần 5 lần so với một thập niên trước đó. Tuy nhiên, hiện Mỹ là đối tác thương mại với Ấn Độ đứng sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Trong khi Mỹ cần việc làm thì Ấn Độ cần nền công nghệ cao của cường quốc hàng đầu thế giới này. Chính phủ New Delhi muốn Washington cho hàng hóa và dịch vụ của Ấn Độ tiếp cận hơn nữa thị trường Mỹ, bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận kỹ thuật công nghệ cao, điều chỉnh chính sách gây ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu phần mềm…

Cũng không phải ngẫu nhiên mà hành động đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng tại Ấn Độ là bày tỏ tưởng niệm 166 nạn nhân trong vụ khủng bố Mumbai năm 2008. Ông Obama đã vỗ về Ấn Độ bằng “một thông điệp rõ ràng” về quyết tâm xây dựng một tương lai an ninh và thịnh vượng, trong đó Washington và New Delhi xích lại gần nhau. Hơn nữa, theo hãng tin Reuters, “bắt tay” với Ấn Độ, Tổng thống Obama muốn tranh thủ sự ủng hộ để gây áp lực với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau Ấn Độ, Tổng thống Obama sẽ đến Indonesia, Hàn Quốc - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 và Nhật Bản - nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.