.

Tình trạng thiếu ăn ở Mỹ

.
Mỹ là cường quốc kinh tế số một thế giới, là quốc gia hăng hái nhất trong nỗ lực cứu đói cho người dân nghèo khắp nơi trên thế giới. Nhưng rồi họ đã phải giật mình khi nhận ra rằng, ngay tại đất nước hùng mạnh của mình cũng có hàng chục triệu người chịu cảnh đói nghèo.

Mô tả ảnh.
Một người phản đối trên phố tài chính ở New York.
 
Trong lúc nền kinh tế đất nước cũng như toàn cầu chịu cảnh suy thoái kéo dài, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thực hiện cuộc điều tra an ninh lương thực kéo dài từ năm 2009 tới nay nhằm so sánh với tình hình của một năm trước đó. Kết quả cuộc điều tra thực sự sốc: Cứ 6 gia đình ở Mỹ thì có 1 gia đình thiếu cái ăn. 17,4 triệu gia đình với 50 triệu nhân khẩu bị xếp vào hạng “kinh tế bấp bênh”, nghĩa là họ thường xuyên phải bỏ bữa ăn vì thiếu tiền.
 
Một số khác phải chịu cảnh nhịn đói cả ngày hay chỉ có một ít thức ăn để cầm hơi. Ngược lại, lương thưởng của nhiều quan chức cấp cao lại tăng vùn vụt cho dù đất nước, thế giới đang đối diện với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 80 năm qua. Dù mức lương tăng chỉ có 3%, nhưng riêng tiền công trả cho các “sếp” là giám đốc điều hành các công ty tăng đến 11%. Chẳng hạn như giám đốc điều hành của Oracle, Larry Ellison  có tổng thu nhập năm 2009 lên tới 68,8 triệu USD.  Điều đó cho thấy mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ ngay tại thời điểm suy thoái kinh tế đang bị giãn rộng ra.

Mô tả ảnh.
Một người vô gia cư lục tìm… thức ăn trong thùng rác.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, trong số 50 triệu người chịu cảnh thiếu ăn, có gần 17 triệu trẻ em. Đây là con số tăng đáng kể bởi một năm trước đó chỉ có 17,1 triệu người chịu cảnh thiếu ăn. Những người này luôn luôn ăn uống kham khổ, cắt giảm lượng lương thực từng bữa để “chống đói” nên sức khỏe suy giảm thấy rõ. Đã có 34 triệu người đăng ký nhận phiếu thực phẩm của chính phủ. Do nạn thất nghiệp tăng cao nên lần đầu tiên người thất nghiệp phải dựa hoàn toàn vào trợ cấp của chính phủ để sống qua ngày. Ông Mark Nord, một nhà nghiên cứu kinh tế và tác giả của bản báo cáo đánh giá “Suy thoái kinh tế kéo dài đã buộc người dân phải dựa vào các chương trình lương thực của chính phủ để sống tạm qua ngày”.

Không chỉ gồng mình đối phó với miếng ăn mỗi ngày, hàng triệu người Mỹ đã vất vả tìm kiếm việc làm, bởi nếu không, họ chịu cảnh mất nhà cửa do không còn khả năng trả nợ ngân hàng vì thế chấp. Người dân càng tức giận hơn khi biết rằng rất nhiều công ty đã nhận được trợ cấp hàng tỷ USD từ chính phủ để trả nợ. Số tiền này được bao bọc trong cái tên rất hay là Quỹ cứu trợ tài chính! Kết quả cuộc điều tra đi theo sau kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ mà chính Tổng thống Obama đã nhận ra “cử tri đã thể hiện phiếu bầu thông qua các chỉ số kinh tế”. Ông Obama đã nhận ra điều đó và đang rất nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ.

ANH THƯ
;
.
.
.
.
.