.

Trung Quốc “tấn công” châu Âu

.
Sau thời gian đầu tư vào châu Phi, Trung Quốc có bước đi táo bạo tìm kiếm hướng đầu tư vào lục địa già. Họ đang từng bước tạo được ảnh hưởng ngay tại châu Âu, đã làm cho nhiều nhà kinh tế phương Tây phải lên tiếng quan ngại.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Hy Lạp vào tháng trước.
 
Khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo viếng thăm Hy Lạp hồi tháng trước, ông đã mang theo món quà đầy ý nghĩa cho chủ nhà trong thời khủng hoảng tài chính: hàng tỷ USD cho các giao dịch thương mại và làn sóng đầu tư rất đáng tin cậy từ Trung Quốc. Chẳng vì thế mà Chính phủ Hy Lạp phấn khởi cho rằng sự ủng hộ của những người bạn Trung Quốc là quá may mắn với chúng ta.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế ở châu Âu và Mỹ cho đây là bước đi khôn ngoan của Trung Quốc, lấy Hy Lạp làm bàn đạp vững chắc để tiến sâu vào châu Âu. Trung Quốc chọn đúng thời điểm khủng hoảng tài chính của Hy Lạp để bước vào châu Âu với mục tiêu trở thành đối tác quan trọng với các quốc gia mạnh ở lục địa già. Bắc Kinh không đơn thuần là tìm kiếm cơ hội đầu tư mà muốn có được ảnh hưởng lớn trong các chính sách kinh tế được thiết lập trong hành lang quyền lực của Bỉ và Đức.

Carl B.Weinberg, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ cảnh báo “Trung Quốc đang sẵn sàng dính mũi vào kinh tế châu Âu nên cần phải xem xét kỹ lưỡng”. Tham vọng đó của Trung Quốc càng được củng cố hơn khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có cuộc gặp với các quan chức cấp cao và doanh nghiệp lớn của Bồ Đào Nha và Pháp trong tuần qua.

Khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thâu tóm. Chẳng hạn như gã khổng lồ khí đốt của Qatar đạt được thỏa thuận đầu tư 5 tỷ USD vào Hy Lạp nhưng Trung Quốc vẫn đang là “nhà đầu tư hấp dẫn” nhất ở châu Âu. Trung Quốc đang dồn sức cho các cảng ở Hy Lạp và Ý, đường cao tốc nối từ Đông Âu sang Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích bảo đảm đầu tư cơ sở hạ tầng lâu dài hơn.

Trung Quốc “đổ” 4,5 tỷ USD vào một công ty đóng tàu của Hy Lạp đang gặp khó khăn nhưng đổi lại là chỉ để mua bán trao đổi với các tàu do Trung Quốc đóng. Đại gia vận tải biển Cosco (Trung Quốc) “rót” 5 tỷ USD khác vào cảng Piraeus, cảng hành khách lớn nhất châu Âu để chuyển công năng sang cảng vận chuyển hàng hóa với mục tiêu 3,7 triệu container vào năm 2015. Tại Ý, Cosco mở rộng cảng Naples. Ông Ôn Gia Bảo cam kết sẽ nâng mức giao dịch thương mại Trung - Ý lên con số 100 tỷ USD vào năm 2015. Trung Quốc cam kết mua trái phiếu cho Hy Lạp khi chính phủ bắt đầu bán lại, và mua 625 tỷ USD nợ của Tây Ban Nha. Ireland và Hungary là những nước đang cố gắng thu hút đầu tư từ Trung Quốc với hy vọng sẽ tạo ra được hàng nghìn việc làm.

Ông Ôn Gia Bảo hy vọng với kế hoạch đổ ra 2.300 tỷ USD đầu tư vào châu Âu sẽ giúp giảm được áp lực chính trị trong việc yêu cầu nâng giá đồng nhân dân tệ. Nhờ kế hoạch đầu tư này mà châu Âu đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong suốt chuyến công du châu Âu vừa qua, ông Ôn Gia Bảo luôn nói rằng hành động của Trung Quốc như là “người bạn” của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và các nước châu Âu khác đang gặp khó khăn. Đổi lại, ông đề nghị các nhà lãnh đạo ở các nước này đừng gây áp lực về chuyện nâng giá đồng nhân dân tệ.

Nhiều lãnh đạo châu Âu đã nhìn thấy sức mạnh đầu tư của Trung Quốc. Năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Ba Lan hãy giao công trình làm đường cao tốc cho Đức thay vì Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng trong vài năm tới nếu châu Âu không nhanh chân sẽ bị Trung Quốc lấn át mạnh hơn trong rất nhiều dự án lớn như khai thác dòng sông Danube để trở thành tuyến đường giao thông, xây dựng tuyến đường sắt giữa Đức và Macedonia…

“Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Âu như họ đã làm ở châu Phi. Khác với cách vào châu Phi, Trung Quốc tiến vào châu Âu bằng cách đi vào những nước nằm ở ngoài rìa. Như thế có bất thường?”, Francois Godement, một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu về quan hệ quốc tế, cảnh báo.

TỊNH BẢO
;
.
.
.
.
.